Cho đến nay, tôi đến viếng thăm Huế tất cả là bốn lần.
Lần đầu tiên vào năm 1997, lúc đó tôi nổi hứng cưởi con tuấn mã Honda 78 chạy từ Sài Gòn ra Huế ghé qua nhiều nơi để ngủ qua đêm như: Phan Thiết, Nha Trang, Qui Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẳng. Trung bình cứ mỗi ngày tôi đi hơn 200 cây số. Chặng cuối cùng từ Đà Nẳng ra Huế tuy ngắn, chỉ có khoảng một trăm mấy chục cây số, nhưng đó là chặng ngoạn mục nhất.
Đèo Hải Vân nổi tiếng, ngoài phong cảnh tuyệt tác ra, còn là một đèo cao gay go và khúc khuỷu, có nhiều cua chử V rất gắt mà dân lái xe họ gọi là cùi chỏ.
Khi tôi lên đến gần nửa đèo, thấy con tuấn mã hơi ì ạch, tôi bèn ngừng lại cho nó nghỉ mệt ở một trạm rửa xe. Trên suốt đường đèo có nhiều trạm, họ hoàn toàn xử dụng nguồn nước suối thiên nhiên lấy từ trên núi xuống với độ xịt rất mạnh. Tôi vừa định mút nước lạnh xối vào xe cho nó mát máy thì có một người đàn ông vui vẻ chạy đến và bảo tôi đừng làm như thế vì sẽ hại chiếc Honda, khi nhiệt độ quá nóng gặp lạnh làm cho bloc máy bị nứt là coi như xe hết đi luôn. Anh ấy nói đã nhìn thấy tôi từ lúc còn ở dưới chân đèo đang lay hoay chụp hình. Như vậy nhờ là nhiếp ảnh gia nên đã được anh để ý, có cảm tình và đến giúp đở một cách niềm nở. Anh ấy chạy tìm một tấm giẻ, thấm nước và đấp vào bloc máy còn đang nóng dữ dội tạo ra tiếng xèo xèo bốc hơi màu trắng dày đặt. Không biết thật sự có nguy hiểm hay không nếu không làm như đã chỉ dẫn. Dầu sao làm theo sự hướng dẫn thì rất an toàn. Tôi rất biết ơn người đó và nghĩ nếu không gặp anh chàng thì chưa biết cuộc hành trình sẽ ra sao. Sau một chập đấp giẻ ướt thì chiếc Honda của tôi nguội hẳn đi và chạy tốt bình thường.
Vừa qua khỏi đỉnh đèo Hải Vân, tôi gặp một căn nhà bỏ hoang, nhìn từ xa thì trông không khác gì phong cảnh tôi đã từng gặp ở miền quê Hoa Kỳ.
Xuống chân đèo Hải Vân phía bắc, tôi được đón tiếp bởi phong cảnh hữu tình của bãi biển Lăng Cô nơi luôn được thiên nhiên tưới mát, cây cối xanh tươi.
Đến Huế lúc giữa trưa, mọi sinh hoạt hầu như chậm lại rất nhiều vì một số lớn dân chúng đang ngủ trưa hoặc nếu không ngủ thì cũng đang nghỉ ngơi.
Huế lúc nào cũng trầm lặng, nhất là khi chạy vòng vòng theo những con đường nhỏ của Thành Nội.
Ra khỏi Thành Nội về phía đông thì gặp khu Gia Hội, nơi bến nhà ghe, người dân ở đây sống trên những chiếc ghe đậu sát vào nhau từ đời này qua đời nọ, rất nhiều người chưa sống trên bờ bao giờ.
Đến đầu Gia Hội thì gặp chợ Đông Ba rồi gặp lại cầu Trường Tiền. Huế tương đối nhỏ nên chạy mấy vòng là gặp hết mấy cái landmarks cần gặp ngoại trừ lăng tẩm và Chùa Thiên Mụ thì phải chạy ra ngoại ô một chút. Sông Hương thì khỏi nói vì nó tách Huế ra làm hai nên rất dễ nhìn thấy giòng sông thơ mộng này.
Ngay buổi chiều đầu tiên đến Huế, tôi ghi được những chiếc áo dài trắng đạp xe qua cầu Trường Tiền sau giờ tan học.
Ở Việt Nam, có thể nói một trong những đề tài lớn nhất của các nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, và nhiếp ảnh gia, trong đó có tôi, là chiếc áo dài trắng nữ sinh.
Hình ảnh từng đàn nữ sinh trong những chiếc áo dài trinh trắng thướt tha trên những chiếc xe đạp xinh xinh lượn qua đường phố tạo thành một cảnh tượng êm đẹp mỹ miều khó ai có thể không rung cảm được. Một nhạc sĩ đã xem đó 'như mây xuống phố', riêng tôi thì xem đó là những đàn hạc trắng tô điểm cho bức tranh đồng quê, phố phường hoặc bất cứ nơi nào có những con chim trắng đó bay qua. Vào những tháng mùa hè khi vắng bóng những bầy chim trắng này, tôi thấy mọi cảnh vật nó vô vị làm sao!
Chuyến đến Huế lần đầu tiên trong đời tôi được trùng hợp với tháng mở đầu niên học mới nên tôi có dịp ghi lại một số hình ảnh áo dài nữ sinh của miền sông Hương núi Ngự. Có một vài điểm khác biệt rất nổi bật của nữ sinh Huế so với nữ sinh ở những địa phương mà tôi đã đi qua và chụp ảnh. Trước nhất, nữ sinh ở đây không thấy mặc áo lá bên dưới chiếc áo dài trắng nên đường nét của con gái vào tuổi đẹp nhất được trưng bày đầy đủ. Trong Sài Gòn, các nữ sinh lại mặc áo dài may bằng vải gấm nên làm cho thân hình trở nên quá cứng cát. Vào thời điểm năm 1997, nữ sinh Huế vẫn còn tha thướt với những chiếc áo dài mịn màng đầy vẽ thơ mộng.
Điểm nổi bật kế tiếp là thái độ của các nữ sinh khi được chụp ảnh. Tôi cảm nhận như có một sự đồng thuận nhẹ nhàng trìu mến nào đó của các nữ sinh khiến cho cảm hứng của người nghệ sĩ càng dâng lên cao hơn nửa.
Từ Đập Đá nhìn về phía thôn Vỹ Dạ vào buổi chiều hôm đó nắng thật đẹp, mặt nước của con sông nhỏ in hình nền bầu trời trong xanh biếc lại còn tô điểm thêm một chiếc thuyền con do một em bé gái chèo và một ngồi trong xuồng xuôi theo giòng càng làm tăng thêm vẽ đẹp của xứ sở miền trung Việt.
Mặc dầu trước đây tôi chưa đến Huế bao giờ nhưng cái tên Vỹ Dạ thì quá quen thuộc vì nó được đặt tên cho hàng quán khắp nơi nào có người Việt miền Trung sinh sống. Hơn nửa, tôi cũng có quen một ít người xuất thân từ đó. Cũng vì đã có sẳn cảm tình với nơi có tên dễ mến và dễ nhớ này nên tôi cho xe chạy lên cái cầu tre để đi vào thôn không chút ngần ngại.
Khi đến giữa cầu, tôi mới nhận ra là đã quyết định quá dại dột, chiếc cầu tre chẳng những đã cao nghều nghệu mà còn gập ghình thấy ớn luôn, nhìn xuống cái rạch nước khá cạn phía dưới chân cầu chiều cao cũng đến hơn hai mét. Nếu người và xe rơi xuống đó chắc là sẽ bi thảm lắm nên tôi ngừng xe lại không dám tiến tới nửa, nhất là phía đàng trước có mấy thanh tre đã sụp qua một bên sẽ làm cho mất thăng bằng rất nguy hiểm. Chưa hết, đang lúng túng chưa biết phải xử trí ra sao thì có một thanh niên đi bộ ngược chiều lên cầu tiến về phía tôi một cách thản nhiên càng làm tôi run sợ trong lòng. Không phải dễ dàng nhưng rồi thanh niên đó cũng lách được qua tôi và chiếc Honda để qua cầu.
Quay lại không được, lui lại cũng không dễ nên chỉ còn cách ráng sức qua cầu cách nào ít rủi ro nhất, tôi bèn để ga thật nhỏ rồi dùng hai chân rà sát những thanh tre sàn cầu từ từ tiến qua bờ bên kia. Trải qua hết những giây phút nghẹt thở rồi khi an toàn thật sự tôi mới thấy nhẹ nhỏm. Tôi đã dại dột nhưng vẫn còn may mắn. Vừa lúc đó, có một cô bé đưa chiếc xe đạp lên cầu để rời thôn Vỹ Dạ, tôi nhanh nhẹn với lấy máy ảnh ra để ghi lại cái cầu tre khó quên này.
Sáng hôm sau, tôi trở ra khu Gia Hội, nơi đây các cô gái đang tấp nập giặt giũ áo quần trông rất linh động. Những tàng cây to lớn che mát cả phía bờ bên này, phía bờ bên kia, ánh sáng từ dãy nhà phản chiếu ngược lại tạo nên một lighting set-up lý tưởng để chụp hình. Không cần phải có máy ảnh tốt cũng có thể ghi lại được những chủ đề nổi bật theo không gian ba chiều như trên.
Tôi được một cô nhân viên của khách sạn nơi tôi cư trú hướng dẫn đi thăm lăng Minh Mạng. Đi một mình cũng xong, có người chỉ dẫn thì đở mất thì giờ nhưng ngược lại mất đi cái hứng thú của sự khám phá. Trên đường đi dọc theo sông Hương đến lăng, núi Ngự hiện ra rỏ ràng hơn nửa.
Hình ảnh lăng Minh Mạng và một số lăng tẩm khác đã quá quen thuộc với du khách đến Huế. Tôi muốn tạo ra một hình ảnh cá biệt và sâu sắc hơn. Cô gái hướng dẫn tôi đi có quen với một gia đình dân cư ở gần lăng nên tôi liền nhờ một em bé làm người mẫu. Tôi để em ngồi xuống đất lưng dựa vào vào chân tượng đá để nói lên một sự liên kết và nối tiếp giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế hệ đã qua đi và thế hệ hé mở của tương lai.
Ngày hôm sau nửa, tôi tự đi một mình để khám phá thêm về Huế. Đang chạy xe đi tìm nơi ăn sáng thì tôi gặp một đôi em trai và gái ở tuổi chớm lớn ngồi ăn sáng nơi một hàng quán vĩa hè. Hai em ăn mặt rất lịch sự và tôi chịu nhất là tư thế ngồi của các em vì tôi vốn không ưa cái cảnh hai người ngồi sát bên nhau của những cặp bồ bịch hay tình nhân. Đặt tựa cho bức ảnh này, tôi gọi là "Lịch Lãm", còn nếu bằng tiếng Anh thì tôi sẽ gọi là "Breakfast Date".
Từ Đập Đá, thay vì quẹo phải vào thôn Vỹ Dạ, lần này tôi quẹo ngược sang bên trái chạy băng qua một chiếc cầu nhỏ để vào Cồn Hến. Vì không có xe lớn, chỉ có xe hai bánh qua được nên nơi đây rất yên tỉnh, đi thêm nửa trên một con đường đất nhỏ rất ngắn thì gặp một bến đò ngang đưa người và xe hai bánh qua sông Hương về bên phía bắc của Huế. Tôi lảng vảng ở bến đò của Cồn hến cả buổi sáng và đã ghi nhận được nhiều hình ảnh của một xứ Huế thi vị và nhẹ nhàng.
Cũng như các cô nữ sinh khác, cô gái trẻ ở Cồn Hến này toát ra một nét hiếu khách đầy tình cảm, tôi chụp một lô ảnh chân dung và cô bé đã nghe theo sự tạo dáng của tôi rất tận tình, nhờ vậy mà bức ảnh rất có hồn mặc dầu nhiếp ảnh gia và người mẫu trước đó chưa hề quen biết nhau.
Về bố cục, có hai lý do tại sao tôi lại chừa một khoảng trống phía trên đầu cô gái. Thứ nhất, theo lối chụp ảnh báo chí, lúc nào cũng nên chừa như thế để khi lên ảnh bìa sẽ có sẳn chổ để chạy tên tạp chí mà không bị chen vào chủ đề của ảnh. Thứ hai, tôi muốn người xem ảnh có cảm nhận đây là một cô gái còn rất trẻ.
Vẫn với một nụ cười đầy tình cảm, lần này, cô bé thay bộ đồ mới và đội một cái nón rất hợp làm nổi bật tấm ảnh đã được canh đúng góc độ ánh sáng viền (rim lighting) lý tưởng. Lần đó tôi quên hỏi nhưng bây giờ tôi đoan chắc là cái nón của cô bé được sản xuất ngay tại Cồn Hến vì năm sau đó tôi có dịp trở lại đây và đã chụp ảnh một nơi làm nón.
Thật sự tôi không thế nào hiểu được hai em bé gái Cồn Hến này đang làm gì, một trò chơi hay một sự so sánh mặt mũi của nhau. Tôi cũng không cần biết vì tôi cho điều đó không quan trọng, điểm chính là tôi có được một tấm ảnh candid rất có hồn nói lên sinh hoạt đời thường hoàn toàn bất chợt không có một sự sắp đặt nào cả.
Trưa trưa, tôi thường đến quán cơm bình dân này ăn uống, thức ăn vừa miệng, giá cả phải chăng, địa điểm nằm gần bờ sông Hương cây cối mát mẻ dễ chịu. Ở Huế, giá cả sinh hoạt tương đối thấp hơn các nơi khác nên chi phí cho ẩm thực là một điều không đáng quan tâm. Ngay cả khách du lịch phương tây cũng vào đây ăn.
Trên đường đi về hướng chùa Thiên Mụ, tôi gặp ba em bé gái đang vui chơi trước cổng một ngôi đền cổ. Nhớ đến một cái spot quảng cáo của hảng Toyota trên TV ở Mỹ, tôi yêu cầu các em nhảy lên theo kiểu mà tôi gọi là 'nhảy Toyota'. Tôi để cho máy ảnh Nikon F4 bấm liên tục rồi chọn tấm ảnh vừa ý nhất. Rất cám ơn các em bé đã hợp tác hết mình.
Chùa Thiên Mụ là một địa danh không thể thiếu sót cho du khách đến thăm Huế, nhất là dân cầm máy ảnh. Tôi chụp hình ngôi chùa nổi tiếng này nhiều kiểu, dọc có, ngang có. Cuối cùng, tôi chọn tấm ảnh này. Hôm đó trời quá đẹp, trong và xanh biếc không một đám mây giống y như bầu trời mùa xuân miền nam California. Hai lùm cây xanh tươi không những làm nổi bật tấm ảnh về màu sắc lại còn đượm thêm ý nghĩa một bên là cổ tích trơ gan cùng tuế nguyệt, một bên là cây cỏ sinh động rồi sẽ qua đi cùng với thời gian.
Từ chùa Thiên Mụ nhìn về phía sông Hương và núi Ngự, tôi rất may mắn được một chiếc ghe có người chèo đến đúng vào điểm mạnh của bố cục. Cảnh vật hơi bị haze làm cho ảnh bị mờ đi một chút nhưng tôi thấy nó có ý nghĩa xác định thời điểm ảnh được chụp vào lúc vừa xế trưa và tạo một cái mood man mát cho người xem ảnh.
Có những địa danh khi chưa đến Huế đã nghe tới rất nhiều, Bến Ngự là một. Khi đi ngang qua cái chợ này, tôi phải dừng lại để bấm một tấm ảnh vì đối với cá nhân tôi nó có một ý nghĩa mang tính chất tình cảm. Nguyên là bạn bè của tôi ở Mỹ thường hay đặt thêm tên lót địa phương cho các cô bạn gái để dễ phân biệt khi có hai hoặc nhiều cô trùng tên với nhau, chẳng hạn như M. Sài Gòn, M. Khánh Hội, M. Nha Trang. Cô bạn gái của tôi là P. Bến Ngự.
Tôi hoàn toàn không biết cái chợ nhỏ này tên gì. Những loại chợ này thường không có tên chính thức nên cũng không có bảng tên chợ. Tôi nhớ loáng thoáng hình như nó nằm trên bờ phía bắc sông Hương và gần đó có đò ngang để qua Cồn Hến, nếu từ chợ đi ngược lại về phía trung tâm Huế sẽ gặp chợ Đông Ba. Ở miền nam, họ gọi loại chợ này là chợ 'chồm hổm', không biết ở Huế có gọi như vậy hay không. Bây giờ còn có thêm một danh từ khác nửa là chợ 'tự phát' và cũng có thể sẽ 'bị dẹp' như một vài nơi tôi đã thấy ở Sài Gòn hiện nay.
Dân nhiếp ảnh tốn rất nhiều phim khi đến Huế vì có nhiều đề tài để chụp như cảnh hoàng hôn trên sông Hương này.
Thời đó, tôi tốn hàng trăm dollars mỗi tháng cho tiền phim lại còn phải chờ chực tráng, rọi, scan, chấm bụi... tốn rất nhiều thì giờ và chịu không ít những sự bực mình, lúc nào cũng mong cho thời đại digital mau tới.
Thế rồi bây giờ cũng đã qua được giai đoạn analog khổ sở đó. Có người cho rằng ảnh analog vẫn trội hơn ảnh digital. Với tôi, có cho tiền tôi cũng không bao giờ trở lại cái thời kỳ analog gian nan đó. Bây giờ, tôi không còn tốn tiền phim nửa, tha hồ bấm máy, tấm nào không thích thì xóa đi, không còn phải tráng, rọi, scan, chấm bụi... chưa kể khi phim bị máy tráng nghiến nát luôn thì bao nhiêu khó nhọc lặn lội đi chụp ảnh coi như thành công toi hết.
Lần đến Huế đầu tiên của tôi nhằm vào mùa 'Trung Thu'. Nói là mùa Trung Thu rất chính xác vì tôi thấy ở đây trẻ em vui hưởng mùa 'Tết' này suốt mấy đêm liền mà hình thức nổi bật nhất là múa lân.
Tối tối, tôi thường đến ăn cơm hoặc cháo gà ở một ngõ hẻm nằm trên con đường dẫn từ cầu Trường Tiền đến chợ Đông Ba. Trong lúc đang ăn uống tối nọ thì có một đoàn múa lân ập đến, tôi ghi lại hình ảnh 'ông địa' là nhân vật tếu nhất.
Đêm đêm, công viên bờ phía nam sông Hương gần cầu Trường Tiền vào thời đó chưa quá rộn rịp như bây giờ, chỉ có một số người dân phần đông là thanh niên thiếu nữ ra ngồi hay nằm tựa ra trên bãi cỏ ngắm trời trăng hoặc ánh sáng đèn vàng vàng từ phía bên kia phản chiếu xuống giòng sông hiền hòa và đầy thơ mộng. Mỗi lần xem lại tấm ảnh này, tôi vẫn còn nhớ rỏ mồn một tiếng rao hàng lanh lãnh của em bé gái bán cóc. Rất tiếc là trong ảnh này, em bé lại quay mặt về hướng chéo góc, công viên lại tối hù nên tôi bắt buộc phải để flash mới chụp ảnh được.
Đêm cuối cùng trước khi rời Huế, tôi vẫn ra la cà nơi mấy tiệm ăn uống của khu tạm gọi là 'Tây Ba Lô' để có dịp tán dóc với mấy du khách phương tây. Giá cả ở đây thật nhẹ nhàng, không có cảnh đập đổ khách khứa. Người phụ nữ chủ nhân của tiệm này rất thân thiện. Tôi nhờ một du khách chụp tấm ảnh kỷ niệm, cũng như mọi lần, khi người lạ cầm máy thì hình đều không được như ý muốn. Thôi thì có hình còn hơn không.
Như đã nói ở phần đầu, chuyến đi Huế này do nổi hứng, khi gần đến nơi mới nhận ra là visa của tôi sắp hết hạn nên bận trở về, tôi và con tuấn mã Honda 78 đáp xe lửa rời Huế để kịp về Sài Gòn rồi tôi bay về Mỹ.
Trong suốt những ngày ở Huế, trời nắng rất đẹp, tối hôm đó trong khi chờ chuyến xe lửa khuya thì trời lại rớt hột như buồn buồn và cảm động vì phải chia tay với một lữ khách hay thích đi phiêu lưu mà Huế là một nơi có thể gọi là trữ tình và lãng mạn nhất. Tôi nói như thế vì trong chuyến đi có nhiều chuyện mê ly du dương mà tôi không thể kể ra đây vì sợ sẽ không thích hợp với các nữ đọc giả.
Ba tháng sau vào đầu năm 1998, có một bà bác đi Hà Nội bằng xe van tôi liền xin đi theo. Xe chạy ngang và ghé vào Huế cho tôi thời gian rất ngắn ngủi có một ngày và không có phương tiện riêng đi đó đây để khám phá. Ngoài những sinh hoạt dành riêng cho nam giới, tôi chỉ có dịp đến Cồn Hến, nơi tôi cho là yên tỉnh và hiền hòa nhất cố đô. Tại đây, tôi tặng hình đã chụp lần trước cho bà con trên cồn, trong đó có một cô bé ở nơi làm nón.
Tôi chụp ít tấm ảnh khi cô bé phơi những lô nón ngoài sân trông thật dễ thương.
Sau đó, tôi chụp thêm vài tấm ảnh nguyên cả gia đình anh em chú bác đang quây quần nơi làm nón.
Năm đó trời lạnh kỷ lục, tôi có cảm tưởng như mọi sinh hoạt ở Huế động lại phần nào nên chuyến thăm Huế lần này tưởng như một thoáng liếc mắt nhìn lại xứ sở kinh kỳ.
̣(còn tiếp)
Monday, July 21, 2008
Subscribe to:
Posts (Atom)