Friday, October 10, 2008

BORA BORA: Hòn Đảo Đẹp Nhất Thế Giới. Phần I.


Bora Bora, cùng với Tahiti và một số đảo khác, vẫn còn là thuộc địa của Pháp. Muốn đến Bora Bora, phải đến đảo Tahiti trước rồi từ đó mới có phương tiện đi tiếp đến đảo Bora Bora. Lẻ dĩ nhiên là ai có du thuyền riêng thì có thể đến thẳng Bora Bora từ đất liền. Thái Bình Dương quá rộng lớn, nên phi cơ thương mại bay từ Los Angeles, California đến Papeete, Tahiti phải mất trên bảy tiếng đồng hồ!

Nhìn vào bản đồ Thái Bình Dương thì Hawaii nằm phía trên đường Xích Đạo, còn Bora Bora nằm phía dưới đường Xích Đạo gần như đối nghịch lại với Hawaii.


Thuở xa xưa Bora Bora là một núi lửa. Bây giờ đã tắt, chỉ còn lại hai ngọn sừng sửng. Đảo được bao bọc chung quanh bằng đầm hồ (lagoon) rộng lớn. Nước của lagoon thật trong và không có sóng, y như một hồ tắm vĩ đại. Phía vòng đai ngoài của lagoon là các cồn nhỏ (motu) xen lẩn với các rạng đá khiến cho sóng biến của đại dương bị chận lại nên mặt nước của lagoon lúc nào cũng thật yên lặng.


Vẽ đẹp nổi bật thượng đẳng của Bora Bora mà không nơi nào có được là nước biển màu thạch bích (turquoise). Tác giả James Michener đã chọn Bora Bora là hòn đảo đẹp nhất thế giới. Các tạp chí du lịch thường bình chọn đảo này là địa điểm du lịch hàng đầu. Điều này đã khiến cho tôi luôn ao ước được đến Bora Bora. Tuy nhiên, muốn đến Bora Bora thật không đơn giản, giá cả ở đây đắc đỏ vào bậc nhất thế giới. Có một web site du lịch nói rằng nếu không nhiều tiền thì đừng nghĩ đến chuyện du lịch Bora Bora! Vậy thì làm cách nào để đến đó? Đã muốn thì phải được! Xin mời các bạn đi với tôi đến Bora Bora theo kiểu ít tiền.


Internet đã giúp tôi tìm mua được một vé khứ hồi đi từ Los Angeles, California đến Papeete, Tahiti với giá rất phải chăng. Ngoài ra, hoàn toàn không có một sự sắp xếp nào khác cho chuyến đi cả.
Bước chân xuống phi trường Faa'a của đảo Tahiti lúc đó đã hơn 8 giờ tối và vẫn chưa biết là tối hôm đó sẽ ngủ nghê ra sao, trong lòng tôi có cảm thấy hơi ái nái mặc dù đã từng đi phiêu lưu không ít. Tuy nhiên, trong túi đã thủ sẳn mấy cái credit cards (thẻ tín dụng) nên thật ra cũng chẳng cần phải lo quá xa.
Sau khi nói chuyện với quày hướng dẫn du khách thì mọi chuyện được sắp xếp thật tốt đẹp. Hướng dẫn viên gọi điện thoại lấy phòng cho tôi theo giá cả thích hợp nhất và sau đó tôi lấy taxi đi về nơi nghỉ ngơi tại trung tâm Papeete. Theo danh từ du lịch thì nhà nghỉ đây được gọi là guest house hoặc bed & breakfast, tạm gọi là nhà trọ cũng được.
Muốn cho bao tử được yên ổn qua đêm, tôi được chỉ dẫn đi bộ chừng mười phút thì đến marina (khu bến tàu) nơi đó có những xe (roulottes) bán thức ăn. Những roulottes này có khác biệt với những catering trucks bên Mỹ. Ở Mỹ, tất cả mọi chuyện nấu nướng đều phải ở trên xe hết, ngay cả quầy chưng bày hàng và mua bán cũng từ xe mà ra, thực khách mua xong đứng chung quanh xe để ăn. Ở Papeete, họ bày biện bếp núc nấu nướng phía bên ngoài chiếc roulotte và kê bàn cho thực khách ngồi y như một nhà hàng lộ thiên. Nói tóm lại, chiếc roulotte chi là một phương tiện để chuyên chở vật liệu linh tinh.Thực khách và người bán phần đông là người Tàu.

Trước đây rất lâu, vào khoảng năm 1991, tôi có kết bạn thư tín với một cô gái gốc Trung Hoa ở Papeete này. Mùa hè năm đó, tôi có đón cô ấy qua California du lịch, để cho cô ấy ở nhà tôi và được tôi đưa đi đó đây. Sau đó tôi không còn liên lạc với cô nữa. Bây giờ đã mười bốn năm qua rồi, biết đâu rất có thể có cô ấy đang ngồi trong đám đông tối hôm đó hoặc có người quen hay thân của cô ấy không chừng!

Vào năm 1994, tôi có quen với một cô gái tên Phạm K. N. làm flight attendant cho United Airlines, chuyên bay đường New York - Bruxelles. Tôi còn nhớ cô ấy bảo rằng gia đình cô, sau khi rời Việt Nam, đã qua sinh sống ở Tahiti một thời gian. Hiện giờ, tôi đã mất liên lạc và rất mong muốn được biết tin tức của cô vì cô là một người rất lịch thiệp. Mỗi lần có dịp đi du lịch bằng United, tôi có hỏi han mấy người flight attendants nhưng không ai giúp tôi được gì.


Có cả ban nhạc sống giúp vui trong lúc ăn uống, họ trình bày toàn những nhạc phẫm quen thuộc của Mỹ khiến tôi cảm thấy thích thú và thoải mái ngay đêm đầu tiên đặt chân đến Tahiti. Trong bầu không khí mát dịu của một buổi tối thơ mộng miền nam Thái Bình Dương, bài "Green, Green Grass of Home" đã gợi tôi nhớ lại những kỷ niệm tưng bừng của những lần trình diễn bài này tại các clubs Mỹ trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam. Nói về bài "Green, Green Grass of Home", vào thời kỳ đó rất ít khi tôi để ý đến nội dung lời ca của bài, mặc dầu toàn là hát thuộc lòng khi trình diễn. Có lẽ vì khi chơi nhạc cả đêm phải hát quá nhiều bài nên thực sự không chú trọng đến từng bài một mà chỉ say mê cái không khí quay cuồng của club khi khán giả hưởng ứng thật nồng hậu và thường khi nhảy múa thật nhiệt tình. Vì vậy mà tôi đã không để ý đến bài này. Chỉ riêng một vài bài như bài "No Reply" thì tôi rất thấm. Khi Lê Hựu Hà dạy tôi hát bè thứ nhì rồi hai đứa cùng hợp ca, đến phần điệp khúc thì nước mắt tôi cứ muốn tuôn trào ra vì quá cảm xúc. Bài ca này, nhất là phần điệp khúc, 'The Beatles' đã viết quá siêu, lời ca và những nốt nhạc cứ như xoáy vào tim vào óc của mình. Trở lại với bài "Green, Green Grass of Home", khi sang Hoa Kỳ sinh sống, mỗi ngày lái xe đi làm nghe radio, lúc đó mới thả hồn theo từng bài nhạc. Khi nghe kỷ lại mới nhận ra bài này nói lên giấc mơ não nùng của một người tử tội khi sắp bị hành hình vào lúc rạng đông. Nội dung tương tự với bài này còn có bài "Seasons in the Sun".

Sau khi ăn uống đầy đủ và được thưởng thức nhạc sống, tôi tiếp tục đi dạo quanh marina để tìm hiểu thêm tình hình Papeete về đêm. Thấy không có gì đặc sắc, ngoại trừ một vài cái lounges/bars còn mở cửa khách khứa cũng không là bao, nên tôi cuốc bộ quay về guest house coi như kết thúc một đêm thơ thới và bình an vô sự. Về đến sân của guest house thì thấy một ông du khách người Pháp cũng thuộc loại phiêu lưu như tôi đang ngồi nhâm nhi chai rượu vang. Tôi bèn ráp lại nói chuyện, học hỏi được nhiều kinh ngiệm quí báu. Ông ấy đã từng đi Việt Nam nên chúng tôi có nhiều đề tài để nói chuyện đến khá khuya.


Sáng hôm sau, tôi để đồng hồ reo và thức dậy thật sớm để chụp cảnh mặt trời mọc nơi marina. Tối qua, tôi đã thấy có một chiếc tàu buồm lớn theo kiểu thế kỷ trước đậu ở đó nên muốn dùng nó làm tiền cảnh cho những tấm ảnh sẽ chụp. Khi ra đến nơi thì tôi thất vọng vì đã tính sai phương hướng mặt trời mọc. Bình minh không diễn ra ở phía marina và biển mà ở phía ngược lại đằng sau lưng nơi dãi núi ngăn đôi đảo Tahiti.

Sân khấu nơi ban nhạc trình diễn tối qua hãy còn đó với những chiếc ghế ngồi và những dụng cụ âm thanh được trùm lại, có lẽ họ trình diễn hàng đêm. Tôi còn nhớ cộng đồng người Thái ở Hollywood, California cũng có tổ chức một nơi ăn uống với nhạc sống như vậy . Năm 1994, tôi thường hay đến đó thưởng thức các món ăn Thái, nghe nhạc và đã có lần mời một cô ca sĩ Thái đi trình diễn đám cưới cùng với ban nhạc của tôi.


Thêm một bài học cho tôi là không chịu nghiên cứu bản đồ trước nên đã phí công thức dậy thật sớm mà không được kết quả như ý muốn. Quay về hướng mặt trời mọc sau lưng thì chỉ lấy được silhouettes (bóng đen) của mấy cây dừa, mấy cột đèn điện còn cháy sáng và cái gazebo làm cho người xem ảnh nghĩ đến cảnh hoàng hôn nhiều hơn là nghĩ đến cảnh bình minh.


Không chụp ảnh bình minh được như mong muốn, tôi bèn thả bộ đi dọc theo marina, nơi đó có sinh hoạt buổi sáng cho những người thức dậy sớm mà học sinh là tầng lớp đó. Tôi gặp một nhóm học sinh trung học đang tụ tập tại một cầu tàu không biết có phải đang chuẩn bị đi sang đảo kế bên hay không? Theo truyền thống của các hải đảo Thái Bình Dương, nhất là Tahiti, tôi thấy các phụ nữ thường hay gắn một đóa hoa lên mái tóc cạnh vành tai như cô gái trong hình trên.

Bài "San Francisco" đã ca tụng lối sống của dân Hippy trong thập niên 60 với câu "... be sure to wear some flowers in your hair..." thì đây chắc phải là nguồn gốc của lối làm đẹp rất duyên dáng và đầy thơ mộng đó. Ngay cả anh chàng flight attendant của chuyến bay đưa tôi đến Tahiti cũng cài hoa y như cô bé nữ sinh này.


Trên đường về guest house thì nắng đang lên cao, xe cộ chạy tấp nập, không còn cái vẽ êm đềm của tối hôm qua nữa. Papeete tuy nhỏ nhưng cũng là một thành phố thương mại và hành chánh của vùng Polynesia thuộc Pháp.

Về đến nơi thì tôi được guest house dọn cho phần ăn sáng gồm có cà phê, bánh mì, bơ, cam vắt. Bánh mì Pháp thì lúc nào cũng tuyệt vời. Theo tiêu chuẩn du lịch, đây là phần ăn sáng được gọi là 'continental breakfast'. Còn phần ăn sáng có thêm các món mặn như trứng chiên, bacon, ham... thì được gọi là 'American breakfast'. Nhiều món hơn nữa thì các khách sạn lớn đều có cho ăn 'buffet breakfast' gồm cả chục món ăn ê hề, ăn ngất ngư, muốn ăn thật nhiều để khỏi ăn trưa luôn cũng được.


Ăn sáng xong, tôi check out, guest house ở đây họ nhận thanh toán bằng credit card nên tôi không cần dùng đến tiền mặt địa phương mà tôi đã đổi ở phi trường Faa'a tối hôm qua.

Trên đường ra marina và cũng là đường phố chính của Papeete, tôi nhận thấy có một cửa tiệm bách hóa hay gọi là mini-market như bên Mỹ cũng được. Tiệm này có tên là 'La Saigonnaise', như vậy chắc hẳn là tiệm của người Việt rồi, bằng không thì cũng phải có liên hệ rất gần gủi với dân Việt. Rất tiếc là lúc đó chưa đến giờ tiệm mở cửa nên tôi mất một dịp la cà để biết thêm về tình hình người gốc Việt ở đây. Bora Bora vẫn là ưu tiên một nên việc tìm phương tiện đi đến đó là tiên quyết nếu không muốn mất thêm một ngày nữa ở Papeete, Tahiti.


Sau khi đi bộ lên xuống trên đường phố chính tràn ngập du khách rong chơi mua sắm, tôi tìm ra được trụ sở hướng dẫn du lịch. Nơi đây có đầy đủ các thông tin hữu ích cho du khách, có những ấn phẩm, bản đồ và quày tiếp tân với một cô gái xinh xắn người bản xứ tươi cười giải đáp những thắc mắc. Tôi liền tiến đến gặp cô để hỏi thăm phương tiện đi Bora Bora. Có hai cách: đường hàng không và đường hàng hải. Đường bay thì nhanh hơn nhưng mắc tiền hơn, còn đường biển thì lâu hơn nhiều nhưng nhẹ tiền hơn. Tôi chọn đi đường biển vừa đỡ tốn tiền vừa được ngắm biển và các đảo và vừa được qua một đêm khỏi phải tốn tiền guest house hoặc khách sạn. Trước khi rời khỏi trụ sở, tôi không quên xin phép được chụp cô gái một tấm ảnh kỷ niệm. Như các bạn thấy sau lưng cô gái là bản đồ vị trí của Tahiti và các đảo đối với vị trí của những thành phố lớn trên thế giới như Tokyo - Nhật Bản, Honolulu - Hawaii, San Francisco và Los Angeles - California.


Nơi bán vé tàu biển đi Bora Bora và cũng là nơi chiếc tàu đang cập bến lại nằm ở ngoại ô Papeete cách mấy cây số đi bộ rất xa. Đây là loại tàu viễn dương chuyên chở hàng góa vật liệu đến các đảo nên hành khách không phải là chính yếu. Có hai loại vé: một loại có giường ngủ và một loại deck (boong tàu) chỉ là một cái sân trống trơn, ai làm sao ngủ nghê gì được thì làm. Lẽ dĩ nhiên là tôi chọn lên deck vì giá nó thấp nhất.

Mọi người ở đây đều cởi mở dễ chịu. Tôi mua vé và chụp hình người phụ nữ phụ trách sổ sách hàng hóa và hành khách. Đặc biệt ở công ty hàng hải này và ở bưu điện Bora Bora, tôi thấy họ dùng toàn computers của Apple mà tôi là một đệ tử trung thành của Steve Jobs kể từ lúc tôi lấy các lớp nghệ thuật ở trường community college (đại học cộng đồng) Orange Coast College (O.C.C.) ở Costa Mesa, California vào năm 1991. Nói về O.C.C. thì community college này được đánh giá là trường tốt nhất của các trường cùng loại trên toàn nước Mỹ. Sinh viên theo học ở đây xong có thể xin chuyển tiếp vào học hai năm kế tiếp của bậc Bachelor (cử nhân) ở các universities lớn dễ dàng. Giáo sư ở đây rất có hạng, khi tôi lấy lớp Fashion Photography thì có giáo sư từ Hollywood xuống dạy. Lớp Photoshop và Premiere thì lab được trang bị toàn máy Macintosh của Apple nên tôi bị hooked luôn. Một dấu ngoặc về quá khứ thời cuộc có liên quan đến Chiến Tranh Việt Nam thì trường O.C.C. là nơi Phạm Xuân Ẩn đã từng du học vào cuối thập niên 50 và Ẩn đã có một bạn gái sinh viên người Mỹ ở đây.

Computers của Apple được tiếng là không bị virus phá hoại nên công việc trôi chảy không bị gián đoạn sửa chửa. Tôi có hỏi người phụ nữ này về khía cạnh đó thì cũng được trả lời như thế. Trang blog này hoàn toàn được thực hiện trên laptop của Apple. Lúc đầu tôi lay hoay không biết làm cách nào để đánh chử tiếng Việt nên chạy đầu này hỏi đầu kia rồi mới nghĩ ra rằng Steve Jobs khi còn hàn vi nghèo khổ đã đi học calligraphy (thư họa) rồi sau này tuyên bố là computers của Apple có kiểu chử đẹp nhất không lẽ không làm gì sao? Tôi check lại kỹ hơn thì mới biết là Apple đã có gài sẳn typeface tiếng Việt Unicode cho xài từ lâu, chỉ mở ra để xài. Chẳng những vậy tất cả các typefaces của các chử tiếng trên thế giới cũng đều có mặt: Trung Hoa, Nhật, Ý, Pháp, Thái, Nga, Do Thái...

Trong những năm gần đây, với sự thịnh hành của iMac, đến iPod, rồi đến iPhone, giới sử dụng computers bắt đầu chú ý nhiều hơn và chuyển qua dùng máy của Apple. Hollywood thì đã cỏ cảm tình từ lâu với Apple, chiếc máy có cái logo trái táo bị cắn đứt một miếng đã xuất hiện rất thường xuyên mỗi lần có cảnh tài tử chính sử dụng laptop. Ngay cả điện ảnh Pháp cũng thế, Sophie Marceau, trong vai một phó nhòm, đã dùng desktop của Apple. Ngược lại, giới ký giả báo chí Mỹ thì lại hay cay đắng với Apple mặc dầu những tạp chí mà họ cộng tác trước khi qua đến nhà in đều được laid out trên máy Macintosh của Apple. Có một ký giả đã nói về những người sắp hàng mấy ngày trời để mua cho được những cái iPhones mới như sau: "...đó là những người trung thành tuyệt đối của Apple, nếu họ có bị Steve Jobs đánh sặc máu mũi, họ vẫn tiếp tục sắp hàng mua máy của Apple như thường...". Một nguồn tin khác cho biết các hackers đang rình rập để phá hoại máy Mac của Apple như họ đã phá hoại bên PC. Ai nói gì thì nói, tôi vẫn tiếp tục sử dụng máy của Apple và hy vọng là sẽ không bị phiền hà vì virus.


Lúc còn thơ ấu, tôi sinh sống ở Long An và ở đó, người ta thường hay nói đi coi hát hay coi đá banh mà trong túi có ít tiền thì mua vé hạng 'cá kèo'. Nếu nhìn vào nồi cá kèo kho thì hình ảnh những khán giả hạng ít tiền thật không khác xa bao nhiêu. Các hảng hàng không của Mỹ thì họ gọi hạng ít tiền một cách rất tế nhị, thay vì gọi là 'second' class, họ gọi là 'coach' hay 'economy' class cho lịch sự. Mấy hảng hàng hải chuyên chở hàng hóa thị họ chẳng cần lịch sự gì cả, như chiếc tàu mà tôi sắp bước lên, hạng bét thì chơi lên deck và họ gọi là 'deck'. Chưa đi cruise nhưng theo tôi được biết thì hạng nhì được gọi một cách nhẹ nhàng hơn là 'cabin' hay gì đó, còn hạng nhất thì chắc cũng giống như trên chuyến bay, hành khách hạng dưới không được bén mảng lên hạng trên. Tôi chưa bao giờ đi tàu biển quốc tế nhưng cứ hình dung là sẽ không có dịch vụ gì trên deck cả nên trước giờ khởi hành vào xế chiều, tôi ăn thật no ở một cái tiệm của người Tàu gần bến rồi mua hai ổ bánh mì dồn thịt và một chai nước bự coi như sẽ cầm cự được đến sáng hôm sau.

Quả nhiên, cái deck của chiếc tàu chở hàng y như tôi đã tưởng tượng ra từ trước, nó chỉ là một cái sân trống trơn, sàn bằng sắt được chùi bóng và quét dọn sạch sẽ. Hành khách hạng này gồm nhiều thành phần: người bản xứ, gia đình con cái khách du lịch Pháp hoặc Tây Phương thuộc gíới tương đối bình dân, còn lại là những du khách ba lô như tôi. Mọi người đều có đem theo khăn chiếu hoặc tấm gì đó để trải ra mà nằm, riêng tôi chẳng có đem gì cả nên cứ nằm thẳng cẳng ra trên sàn, đầu tựa lên cái ba lô thế cho gối.

Tàu ra khơi, bốn bề là đại dương mút chỉ chân trời chẳng có gì để ngắm, cảnh tượng người người nằm la liệt trên cái deck này làm tôi nhớ lại những ngày di tản trước khi Sài Gòn thất thủ năm 1975. Từ sân D.A.O. ở Tân Sơn Nhứt, qua đến Clark Airbase Phi Luật Tân, Henderson Guam, rồi đến Camp Pendleton California mọi người sống quanh quần với nhau trong một không khí êm thắm trật tự.

Tôi không còn nhớ có đón xem cảnh hoàng hôn trên biển cả hay không. Hình như là không vì nếu có thì chắc chắn thế nào tôi cũng phải ghi lại cảnh đó vào máy ảnh. Có lẽ hôm đó trời nhiều mây nên mặt trời đã lặn mất trước khi xuống đến chân trời. Rồi màn đêm buông xuống, đèn trên deck được bật sáng lên, tôi lấy mấy ổ bánh mì ra ăn tối rồi sau đó một chập đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Khi tôi mở mắt ra, mặt trời đã lên khá cao, nhìn chung quanh thì deck vắng teo không một bóng người, chỉ có một mình tôi đang lồm cồm ngồi dậy. Tôi hoảng lên nghĩ rằng có thể tàu đã ghé Bora Bora rồi mà tôi đã ngủ quên nên không hay biết. Nhìn ra chung quanh thì thấy tàu còn đang lướt sóng đại dương và bốn bề vẫn là biển cả bao la đến tận chân trời. Điệu này thì phải hỏi cho ra tàu đang đi về đâu mới được. Tôi bèn chạy xuống tầng dưới thì gặp ngay một người phụ nữ bản xứ đang đứng tựa lan can tàu nhìn ra xa. Tôi đến hỏi và được biết là tàu sắp đến Bora Bora, trong lịch trình cũng có ghi giờ giấc như vậy, chị ấy còn cho biết thêm là chị sẽ cùng đến Bora Bora nên lúc đó tôi mới thật sự yên tâm.

Thì ra, lúc khuya tối hôm qua tàu đã ghé mấy đảo khác và tất cả hành khách trên deck đã xuống hết ngoại trừ người phụ nữ đó và tôi. Tàu chạy thêm một lúc nữa thì ngọn núi của đảo Bora Bora dần dần hiện ra ở chân trời xa.


Khi tàu tiến gần đến đảo Bora Bora thì xuất hiện một đàn cá heo phóng lên khỏi mặt biển rồi lặn xuống trông rất vui mắt. Đối với tôi, đàn cá heo như đang chào đón một lữ khách phương xa đã không quản ngại tốn kém xa xôi đến thăm hòn đảo thần tiên số một của thế giới. Tôi không có đem theo ống kính tele để chụp những cảnh xa nhưng với chiếc máy Nikon Coolpix 8700, tôi cũng đã may mắn ghi lại được hai chú cá heo vừa phóng khỏi mặt đại dương xanh ngắt.


Như đã nói, hòn đảo Bora Bora được bao bọc kín chung quanh bằng những motus và các rạng đá nên sóng biển đại dương không vào đến lagoon được. Thiên nhiên lại ưu đải thêm cho hòn đảo quá đặc biệt này một channel (đường nước) để tàu bè từ đại dương có thể vào đến tận bờ của đảo nằm phía bên trong. Hình chụp trên đây cho thấy từ lagoon nhìn ra khi tàu vừa qua khỏi một motu nằm ngay cửa biển, phía sau đó có những làn sóng của đại dương đang bị chận lại.


Đúng như website kia đã nói, người có ít tiền không đến Bora Bora, những du khách ba lô trên deck đều đã xuống mấy đảo khác hết. Khi tàu cập bến, tôi mới thấy xuất hiện vài ba hành khách có vẽ như trung lưu vì họ đã mua vé hạng có phòng ngủ hoặc có thể họ là những người cư ngụ trên đảo, có nhà cửa hay làm việc ở đây nên không thấy họ mang hành lý theo kiểu du khách và thái độ của họ giống như người đi xa sắp về đến nhà.

Nơi tàu cập bến, có chiếc xe buýt chờ sẳn để đưa hành khách ra Vaitape hoặc nơi khác. Xe buýt này là phương tiện chuyên chở công cộng duy nhất trên đảo, mỗi giờ có một chuyến và mỗi chuyến chỉ chạy phân nửa vòng của đảo là hết khu dân cư vì Bora Bora quá nhỏ.


Đảo Bora Bora rất thưa thớt dân cư khoảng chừng 8.000 người, xóm chợ duy nhất là Vaitape nằm ngay trên con đường tráng nhựa chạy quanh đảo, nơi đó có chợ búa, nhà thờ, ngân hàng, bưu điện, văn phòng du lịch, tóm lại có đầy đủ những dịch vụ cần thiết cho du khách.

Về lịch sử, thuyền trưởng James Cook đã ghé lại Bora Bora năm 1777, vào thời kỳ đó chỉ có những dân cư bản xứ gọi là Polynesians. Sau đó, một nhà thờ Tin Lành được người Anh xây lên vào năm 1822, rồi chỉ hai mươi năm sau người Pháp, do đô đốc Abel Aubert Dupetit Thouars chỉ huy, chiếm Bora Bora làm bảo hộ mặc dầu người dân bản xứ đả tỏ ra muốn được người Anh che chở.

Trong Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Hoa Kỳ đã thiết lập một căn cứ quân sự trên đảo nằm trong kế hoạch phòng thủ Thái Bình Dương chống lại quân đội Nhật Bản. Tám cây đại pháo được đặt trên núi và những điểm trọng yếu, một phi đạo đã được thiết lập trên một motu và một đơn vị khoảng gần 5.000 binh sĩ cùng rất nhiều vật liệu quân sự được đưa đến Bora Bora. Tuy nhiên, suốt chiến tranh không có quân Nhật nào bén mảng đến đây cả. Thế Chiến chấm dứt, đến tháng 6 năm 1946, Hoa Kỳ cho giải tán căn cứ quân sự này nhưng có một số quân nhân đã không chịu rời Bora Bora đến nổi chính phủ phải cưởng bách họ ra đi do sự khiếu nại của gia đình họ. Hiện tại, phi đạo quân sự để lại vẫn còn được xữ dụng cho đường bay đến Bora Bora. Những khẩu đại bác trên núi vẫn còn đó để cho du khách lên xem, riêng tôi thì không ham và không muốn tốn thì giờ cho mục đó. Trong số các quân nhân đồn trú tại Bora Bora thời đó có một viên trung úy Hải Quân Hoa Kỳ tên là James A. Michener về sau này trở thành một văn sĩ nổi tiếng với quyển tiểu thuyết "Hawaii" đã từng được Hollywood quay thành phim. Cũng dễ hiểu là tại sao nhà văn này đã không hết lời khen ngợi hòn đảo thần tiên này.

Một câu chuyện khác đã làm cho Bora Bora nổi tiếng, nó không liên quan đến lịch sử mà liên quan đến Hollywood. Trong câu chuyện này, đảo Tahiti mới là địa danh lịch sử. Số là vào năm 1789, chiếc tàu 'Bounty' của Hoàng Gia xứ Anh được phái đến đảo Tahiti để mang những cây breadfruits (sa kê) qua quần đảo thuộc địa của Anh bên vùng Caribbean trong chương trình tạo nguồn thức ăn mới cho đám nô lệ ở đó. Sau khi rời khỏi Tahiti, một nhóm thủy thủ dưới sự lãnh đạo của viên sĩ quan phó thuyền trưởng Fletcher Christian đã nổi loạn chống lại thuyền trưởng William Bligh. Câu chuyện rất gút mắt và ly kỳ nên đã được viết thành tiểu thuyết nhiều lần và cũng đã được Hollywood quay thành phim ít ra là bốn lần và chắc sẽ còn tiếp nữa. Vai viên sĩ quan nổi loạn Fletcher Christian đã được các diễn viên thượng thặng của màn bạc lần lượt thủ diễn từ Errol Flynn, Clark Gable, Marlon Brando, rồi đến Mel Gibson. Nổi tiếng và gây nhiều sự chú ý nhất là Marlon Brando với phim "Mutiny on the Bounty" được quay năm 1962 và phim này đã dùng Bora Bora làm ngoại cảnh cho phim mặc dầu về phương diện lịch sử hòn đảo nhỏ bé này chẳng có dính dáng gì đến chiếc tàu Bounty cả. Ngoài ra, Bora Bora còn được dùng làm ngoại cảnh cho một phim khác tựa là "Hurricane" (1979), phim này thất bại thê thảm nên chẳng có bao nhiêu người xem và biết đến nó.

Việc đầu tiên khi tôi đến Vaitape là tìm nơi cư trú. Trước khi lên đường, nhờ đã có tìm hiểu qua Internet nên tôi có sẳn một danh sách các 'pensions' (nhà nội trú) rất thích hợp với túi tiền mặc dầu không phải là rẻ so với giá cả ở đất liền. Chỉ dựa vào may mắn chứ không có tiêu chuẩn nào khác, tôi chọn đại một pension có vẽ như cảm tình nhất tên là 'Chez Maeva' rồi bước vào bưu điện để gọi điện thoại cho họ. May mắn cho tôi là có giường trống nên họ chỉ dẫn tôi lấy xe buýt để đi đến đó.


Tôi rất vừa ý với pension này vì nó nằm sát con đường tráng nhựa chạy quanh đảo, phòng ốc rất trang nhã, tiện nghi đầy đủ và bà chủ nhân người bản xứ rất thiện cảm. Du khách nào có nhiều tiền hơn hoặc có con cái thì mướn một phòng ngủ trong pension, còn ít tiền như tôi thì chỉ mướn được một cái giường trong một phòng ngủ chung với nhiều người khác. Tuy nói là một giường ngủ nhưng giá cả của nó ngang với một phòng ngủ loại 'Motel 6' ở Mỹ. Hôm tôi đến, không có ai khác ở phòng ngủ chung nên tôi được thoải mái xem như ở một mình. Phòng khách của pension rộng rải lịch sự nhưng ít khi du khách lảng vảng ở đó, phần nhiều họ hay ra bờ biển hoặc thường nhất là quây quần ở trong cái porch phía sau phòng khách. Bếp núc thì mọi người sử dụng chung, có sằn son nồi, ly dĩa muỗng nĩa, dầu mở đường muối linh tinh để nấu nướng. Có luôn một cái tủ lạnh để du khách có thể dự trử lương thực riêng của mình. Của ai nấy dùng, bếp núc làm xong nồi niêu ly cộ phải rửa lau sạch sẻ để người khác sử dụng. Cư ngụ ở một nơi mà mọi người đều văn minh, có tinh thần tôn trọng privacy của người khác và vệ sinh chung thật là thoải mái và còn được có dịp gặp gở tiếp xúc với những du khách quốc tế.


Cất xong cái ba lô nơi giường ngủ, tôi liền bước ra phía sau pension để quan sát nơi tôi sẽ sinh sống mấy ngày sắp tới ở một hòn đảo gần như có một không hai nầy. Bãi biển ngay sát phía sân sau, tắm biển xong, có một cái shower booth ngay bên hông pension.

Khi sắp xếp hành trang đi du lịch theo kiểu này, tôi đã chuẩn bị một cái túi đeo vai nhỏ trong đó chứa đựng máy ảnh, giấy tờ tiền bạc nên lúc nào chúng cũng ở cạnh bên mình, không phải lo mất mát. Còn cái ba lô thì chỉ có áo quần, đồ đạc linh tinh chẳng có gì quan trọng quăng đâu cũng được.


Nhìn thấy phong cảnh trời mây non nước như thế này, tôi thấy thật xứng đáng đã bỏ công tốn kém lặn lội đến đây cho được. Những cái bungalows phía xa xa thuộc loại rất mắc tiền, giá cả phải hơn 500 dollars một ngày trở lên.


Nước biển quá trong nhìn thấy mấy chú cá nhỏ lội tung tăng rất thích thú. Cá nước mặn luôn có màu sắc rực rở. Ở phía ngoài các motus và rạng đá, cá còn nhiều hơn nữa.

Nhìn cá thấy đẹp nhưng muốn được ảnh đẹp cần phải có máy ảnh tốt để tránh bị nhòe vì cá lội nhanh và mặt nước lúc nào cũng lăng tăng nhất là khi có gió thổi. Tôi đã phải bấm rất nhiều tấm mới được vài tấm đẹp và với cái máy ảnh tiện dụng du lịch của tôi thì chỉ chụp được đến mức này.


Cá nhỏ với nhiều màu sắc thì tôi đã từng thấy rất nhiều, nhưng cá lớn mà có màu sắc như thế này thì quả thật là hơi lạ. Không biết họ lưới hay câu, ở gần bờ, trong lagoon hay ngoài lagoon, lúc đó tôi không nghĩ đến để đặt câu hỏi.


Bông hoa trên đảo rất đẹp và lớn mạnh. Hoa này rơi từ một cây lớn nằm sát mé biển xuống bãi cát thật sạch. Có lẽ đây là một loại cây mọc tự nhiên.

Sau này, trong một chuyến đi miền đồng bằng Cửu Long ở Việt Nam, tôi có gặp một loại cây với tầm vóc và bông hoa tương tự nhưng nhỏ hơn, hỏi người địa phương thì họ bảo đó là cây trà và hoa của nó làm vị thuốc nào đó tôi không nhớ.


Về địa lý, Bora Bora là xứ núi lửa nên không có động vật hoang dã. Những thú vật thông thường trên đảo đều do con người đem từ đất liền ra từ bao nhiêu năm nay, ngoại trừ chim chóc. Thú rừng duy nhất ở đây là heo, không phải heo rừng mà là heo người ta nuôi sút chuồng vào rừng ở từ lâu nay.

Giữa chó và mèo, tôi thích mèo hơn. Bà chủ pension có nuôi một đàn mèo, mấy con mèo con trông thật là dễ thương, màu sắc của chúng cũng lạ không thấy ở Việt Nam, ngoài con mướp vàng.


Bora Bora chào đón rôi đến đảo bằng một trận mưa rào. Mưa ở hải đảo ngắn ngủi và không trút nước hoặc mưa dầm như mưa gió mùa ở Việt Nam, khi có bão tố thì không biết sẽ ra sao.

Vốn không phải là dân thích nước cho lắm nên tôi ngồi trong nhà cho khô ráo trong khi chàng du khách người Pháp ở cùng pension với tôi chạy ra ngoài vừa tắm biển vừa tắm mưa.


Mưa rào xong, Bora Bora tiếp đón tôi qua màn kế tiếp là trình diễn móng trời. Hơi tiếc là tôi không có đủ thì giờ chạy đi tìm một địa điểm ưng ý hơn để chụp ảnh vì móng trời xuất hiện và tan đi rất nhanh, ít khi nán lâu. Theo thường lệ, móng trời hiếm khi đầy đủ nguyên xi, chỉ cho thấy có phân nửa. Có một lần duy nhất trong đời tôi đã gặp một móng trời trọn vẹn ở đồng bằng Cửu Long, Việt Nam nhưng lúc đó tôi lại không có sẳn ống kính wide angle nên phải thu hình bằng cách quay video với camcorder, pan máy từ chân móng bên này sang chân móng bên kia.


Cùng một loại hoa hibiscus (bông bụp) với đất liền nhưng hoa ở Bora Bora màu sắc thật rực rở và cánh hoa thật cứng cát, có thể nhờ nắng và gió đại dương điều hòa quanh năm không chừng. Không khí hoàn toàn trong lành sau cơn mưa rào, ánh sáng soft lighting tuyệt hảo nhờ mây che, cộng thêm những hạt mưa lấm tấm làm cho ảnh thật rỏ nét và sống động. Tôi nghĩ là bất cứ máy ảnh nào cũng có thể chụp ra được một tấm ảnh như trên đây.


Những tài liệu hướng dẫn du lịch cho biết các loài chim chóc ở Bora Bora khá nhiều và chúng được bảo vệ cẩn thận. Màu sắc của con chim này rất lạ đối với tôi.


Mọi thứ cây cối trên đảo đều xinh đẹp tốt tươi, có lẽ nhờ vào điều kiện thời tiết quá lý tưởng trong đó phải kể đến địa chất của vùng núi lửa. Chỉ lá cây không thôi cũng đủ sức mê hoậc những ai thích làm vườn, hoậc nói theo Mỹ những ai có 'green thumb'.

Xin click vào hàng này để xem tiếp phần II