Monday, November 3, 2008

BORA BORA: Hòn Đảo Đẹp Nhất Thế Giới. Phần II.


Bình minh đầu tiên của tôi ở Bora Bora, người đàn ông bản xứ với hai con cá lớn chiều hôm qua, hôm nay lại quăng mẽ lưới sớm, có lẽ đã bước lên một cục đá lởm chởm hay sao đó nên ném nó ra thật xa.


Phương tiện đi lại thông dụng và đỡ tốn kém của Bora Bora: xe đạp. Với giá tiền để mướn chiếc xe đạp này tại đây từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, ở đất liền tôi có thể mướn một chiếc xe hơi du lịch đời mới nhất máy lạnh stereo đầy đủ các cái suốt 24 giờ muốn đi xa bao nhiêu cũng được. Thật ra, đi xe du lịch ở Bora Bora không có ích lợi gì, một chiếc xe đạp là quá đủ để đi rong chơi khắp nơi.


Con đường tráng nhựa chạy quanh đảo, chỉ cần đạp xe không bao lâu là trở về chốn cũ như lời ca của một bài hát nói về Pleiku của nhạc sĩ Phạm Duy. Phía ngoài xa xa là các motus và rạng đá bao bọc lagoon. Được biết hệ thống cống rảnh ở đây rất tốt, không có cảnh ao tù nước đọng.


Nơi xóm chợ Vaitape có một phụ nữ bản xứ ngồi bán trái cây ven đường gồm có chuối, đu đủ, v.v... trái nào trái nấy to ùm thật tốt tướng. Chuối thì tôi nghĩ rằng không thể nào qua được chuối cau của Việt Nam, tôi rất thích đu đủ nhưng đây là loại trái cây hay bị dập khi chuyên chở lại nặng nề phải gọt rửa lôi thôi, đã vậy nó là thứ rất nhuận trường, chơi một trái lớn như vậy sẽ phải đi kiếm toilet hoài thì phiền lắm. Bây giờ nhìn lại ảnh, tôi thấy hơi tiếc sao lúc đó không mua mấy trái avocados (bơ) vì lúc đó tôi chưa biết ăn bơ dầm với đá và đường. Tôi đã chọn trái mảng cầu xiêm (sour sop) nằm ở cuối bàn giá khoảng 5 dollars về làm mảng cầu dầm với đá và đường để ăn tráng miệng hoặc snack cũng rất hấp dẫn.


Mấy trái dừa này nhìn thấy mà mê, màu sắc cũng rực rở không thua các thứ cây cối bông hoa khác ở đảo. Không biết loại dừa này có ở Việt Nam hay không. Nếu đem về trồng ở Bến Tre, Mũi Né, hay Tam Quan chắc cũng sẽ tốt không kém.


Dừa sai trái như thế này thì quả thật tôi chưa từng thấy ở đâu cả. Không biết cây dừa này lùn tự nhiên hay được trồng theo kỹ thuật lùn tạm thời mà tôi thấy được ở Mũi Né, Bình Thuận. Họ đào một cái hố sâu dưới mặt đất rồi đặt cây dừa con xuống đó, khi cây dừa lớn lên họ lấp cát cho đầy hố ngang với thân cây dừa. Thế là có một cây dừa lùn với đầy trái. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, cây dừa lại tiếp tục lớn lên cao hơn nữa không còn là cây dừa lùn.


Nói đến chim cá, cây trái, bông hoa mà không nói đến thứ bông hoa biết nói của Bora Bora thì quá thiếu sót. Khi đến cư trú, tôi thoáng thấy có một cô gái hay xuất hiện dọn dẹp cây cỏ vườn tược chung quanh pension nhưng tôi chưa có dịp tiếp xúc với cô ấy.


Giá cả của Bora Bora quá cao nên du khách đến đây thường không ở dài hạn, tôi thấy kẻ đến người đi liên miên. Ngay cả dân Pháp vốn thường đi nghỉ hè cả tháng trời cũng không lưu lại bao lâu. Ngày đầu tiên đến pension, tôi gặp một gia đình người Pháp với hai đứa con nít, họ rất dễ có cảm tình, anh chồng tính tình dễ chịu bảo tôi khi nói chuyện với vợ của anh ta thì cứ kêu tên theo kiểu thân mật.

Nếu phân tích về phương diện xã hội, tôi nhận thấy người Pháp có vẽ như gần gủi với người Việt hơn là người Mỹ. Khi qua Pháp, tôi gặp đàn ông Việt Nam có vợ đầm nhiều hơn bên Mỹ và những cô vợ này sống theo phong tục ta khá thuần.

Tôi có hai người anh bà con sang du học bên Pháp từ cấp trung học, cả hai đều có vợ đầm. Những năm 60, thấy bạn bè có tạp chí 'Salut Les Copains', tôi cũng viết thơ xin người anh thứ một quyển, anh ấy bảo người vợ gởi ngay cho tôi liền. Lúc đó tôi còn quá trẻ nên không nhớ đã có gởi thơ cám ơn hay chưa. Nếu chưa thì tôi xin mượn những giòng chử này để biết ơn một người phụ nữ Pháp có tiếng là hiền hậu theo tôi được biết nhưng chẳng may vắn số đã ra đi quá sớm.

Có một chi tiết cho thấy sự khác biệt giữa người Mỹ và người Pháp. Khi đến một gia đình người Mỹ, họ thường tiếp đải mình theo kiểu nhà hàng bằng cách cho biết trong nhà có những thứ gì để mình lựa chọn. Còn khi tôi đến thăm một bà người Pháp lúc tôi còn ở Florida, bà ấy tự động bưng ra cho tôi một cái mâm trong đó có nước ngọt và bánh trái lủ khủ.

Tối đó, có một người phụ nữ Ba Lan đến cư trú chung phòng ngủ công cộng với tôi. Qua sáng hôm sau, tôi có dịp tiếp xúc và nhận thấy người phụ nữ xứ Đông Âu này rất thông minh và nhiều thiện cảm, không biết dân Ba Lan có giống như thế hay không. Riêng cá nhân tôi, càng ngày tôi càng thấy xứ sở này có nhiều điểm nổi bật.

Trước hết phải kể đến cố Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, một vị Giáo Hoàng đã có những hoạt động tích cực gây tiếng vang lớn cho giáo hội Công Giáo La Mã. Những cây xi-nê thì không thể nào không biết đến tên tuổi của hai nhà đạo diễn trứ danh Ba Lan Roman Polanski và Krzysztof Kieslowski. Polanski thì quá nổi tiếng ngay từ thập niên 60 với những phim "Rosemary's Baby" (1968), "Chinatown" (1974), "Tess" (1979), "Frantic" (1988), "Bitter Moon" (1992), và gần đây nhất "The Pianist" (2002) đã đem về giải Oscar Đạo Diễn Hay Nhất. Còn Kieslowski thì nhỏ tuổi hơn mà lại ra đi sớm nên chỉ để lại một số phim thật đáng chú ý như "Blue" (1993), "White" (1994), "Red" (1994). Thông thường, những phim trên DVDs, tôi xem xong rồi đem tặng lại cho bạn bè vì tôi nghĩ sẽ không bao giờ có dịp xem lại. Riêng hai phim "Bitter Moon" và "White" thì tôi lưu giữ trong collection để lâu lâu còn xem lại. Nếu các bạn có dịp, nên xem hai phim này, tôi dám chắc là xem xong sẽ nhớ mãi.

Về lịch sử, Ba Lan đầy thăng trầm, thành tựu rồi tan biến triền miên, đã từng bị các nước Nga, Phổ, Áo chia cắt trong quá khứ. Dành được độc lập năm 1918 sau Đệ Nhất Thế Chiến rồi chỉ vỏn vẹn 21 năm sau lại bị Đức và Liên Sô xâm chiếm khi Đệ Nhị Thế Chiến mở màn năm 1939. Sau Thế Chiến, Ba Lan trở thành một xứ vệ tinh của Liên Sô. Đối với Việt nam, Ba Lan lại có một mối liên hệ khi cùng với Ấn Độ và Canada đảm nhận vai trò Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến theo Hiệp Định Genève năm 1954. Rồi 19 năm sau, Ba Lan lại tiếp tục cùng với Canada, Hungary và Indonesia làm Quan Sát Viên Quân Sự theo Hiệp Định Paris năm 1973 nhằm kết thúc Chiến Tranh Việt Nam cho phía Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, Chiến Tranh Việt Nam bắt nguồn từ chủ thuyết 'Domino' ở Đông Nam Á trong cuộc đối đầu của Chiến Tranh Lạnh, nhưng bên phía trời Tây chính Ba Lan lại là con domino đầu tiên đã làm sụp đổ luôn Liên Bang Sô Viết vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90.


Cái bàn nhỏ nơi góc phải là chổ tôi ngồi để ngắm sao trời trong màn đêm. Chị vợ của gia đình người Pháp từ trong nhà bước ra thấy vậy bèn bật đèn lên. Tôi phản ứng quay lại thì chị ấy bảo là để đèn lên cho sáng sủa, tôi vẫn nghĩ đây là một cử chỉ rất thân mật. Tuy nhiên, nếu là một phụ nữ Mỹ, tôi nghĩ họ không làm như thế và nếu có muốn bật đèn lên, sẽ hỏi ý kiến của tôi trước.


Nước biển của Bora Bora trong vắt như hồ tắm, màu sắc của nước thì ngay cả hồ tắm cũng khó sánh bằng, thế nhưng tôi thì lại không ham mấy cái vụ tắm táp này cho lắm. Đã đến đây phải thưởng ngoạn nên tôi có xuống tắm, khi xuống nước rồi thấy thật sự vừa khoan khoái vừa sung sướng vì đã may mắn đến được một bãi biển lý tưởng như thế này.


Một buổi chiều khi đạp xe đi vòng quanh đảo, tôi gặp đúng lúc hoàng hôn và gặp một cây dừa xà đúng như bố cục mà tôi hằng ao ước nên chọn một góc cạnh ưng ý nhất rồi bắt đầu bấm máy. Nhìn bức ảnh có vẽ như cầu kỳ nhưng thật ra với một phong cảnh như thế này thì với một máy ảnh rẻ tiền nhất cũng có thể tạo được ảnh đẹp tương tự. Điều cần thiết về bố cục là cho ngọn dừa chủ đề vào điểm mạnh theo qui tắc một phần ba và lấy một vài cành lá của cây dừa bên góc phải làm tiền cảnh. Về kỹ thuật thì nhớ không để flash vì cố tình chỉ lấy silhouette mọi vật để làm thật nổi bật một cảnh hoàng hôn.


Trưa hôm sau, tôi trở lại cây dừa xà để chụp cảnh ban ngày. Hôm qua, trước khi ra về, tôi đã làm dấu nơi đứng chụp ảnh nên hôm nay không phải mất thì giờ tìm lại để lấy đúng bố cục y như lần trước. Các bạn thường hay gặp những bức ảnh như thế này trong các tờ quảng cáo đi du lịch hải đảo, và đôi khi họ còn có thêm một người mẫu nằm trên thân cây dừa hay nằm trên võng treo đâu đó. Riêng tôi, hy vọng sẽ có ngày tôi đem được một người mẫu Việt Nam mặc áo dài đến nằm trên thân cây dừa xà này.


Cây nhàu (noni) mọc rất tốt tươi khắp nơi trên đảo, trái và lá toàn một màu xanh dịu trông thật khỏe mạnh. Trong khi trái và màu lá cây nhàu ở Việt Nam tuy cũng mọc hoang nhưng màu sắc đậm hơn và kích thước tương đối nhỏ hơn. Có một dạo, phong trào bán nước noni của Tahiti được bà con người Việt ở Orange County, California chiếu cố rầm rộ một phần vì cây nhàu noni được mọi người tin rằng nó nên thuốc giúp bồi bổ sức khỏe và trị được một số bệnh tật cho con người, một phần khác là do sự quảng bá liên miên của ca sĩ Diễm Hương trên các giờ phát thanh ở Bolsa. Chắc hẳn noni Tahiti cũng đã giúp cho trương mục ngân hàng của nữ ca sĩ này dồi dào thêm không ít.


Trên con đường tráng nhựa chạy quanh đảo, tôi gặp một cây cóc to với cành và trái xum xuê. Trái cóc chín rơi rụng đầy sân cỏ có vẽ như không thuộc sở hửu của ai. Không biết cây cóc này mọc hoang hay được trồng. Rất có thể mọc hoang vì ở Việt Nam, trên triền núi miền Phan Rang, tôi đã từng gặp những cây cóc rừng. Tôi lượm mấy trái chín rơi xuống đất ăn thử thì thấy cũng được nên hốt một mớ đem về. Tựu chung thì những trái cóc này tuy tròn, lớn và tốt tướng nhưng hương vị thì không đậm đà như những trái cóc của miền đồng bằng Cửu Long Việt Nam.


Đây là một bửa ăn thật ngon miệng đối với tôi, bây giờ nhìn thấy hình hãy còn thèm. Hôm đó, tôi đạp xe ra xóm chợ Vaitape, ghé vào cái grocery store duy nhất ở đây để tìm mua thức ăn và cũng để quan sát sinh hoạt của địa phương. Tiệm chợ này do một người Tàu tên Chin Lee làm chủ. Khứa cá mahi mahi này giá khoảng 8 dollars, hôm đó họ có được hai hay ba khứa gì đó. Nếu biết trước được cá này quá ngon thì tôi đã mua hết luôn.

Tôi đã đi hỏi rất nhiều người để biết xem cá mahi mahi người Việt gọi là cá gì nhưng chưa ai cho tôi biết được. Muốn ăn cá ngon thì cá phải thật tươi, mà cá thật tươi thì nấu nướng cách gì cũng ngon, hoàn toàn không cần bất cứ gia vị nào hết. Khứa cá này chỉ cần chiên sơ cho vừa vàng chín là ăn được, nếu người nào quen ăn mặn thì chỉ cần rắc thêm tí muối là xong. Bánh mì Pháp thì không ai dám chê, uống một lon bia ướp lạnh có hình cô gái Tahiti nữa thì tuyệt cú mèo.


Để cho bức ảnh có thêm nét Bora Bora, tôi đem bày thức ăn và các cái trên một cái bàn của pension, bàn này lại trùng hợp có màu sắc của trời mây non nước miền Nam Thái Bình Dương.


Mấy trái cóc chín được trình bày cùng với những hoa, lá, vỏ sò lượm trên bãi biển.


Cũng trên con đường tráng nhựa chạy quanh đảo, tôi đi ngang qua một ngôi nhà xinh xinh và đặc biệt là mỗi lần đi ngang qua đó, có một mùi hương thơm thật đậm đà và quyến rũ cứ bám theo tôi một đoạn đường. Mùi hương này lại rất quen thuộc nhưng tôi nghĩ mãi vẫn không nhận ra là mùi gì. Đến lần thứ ba chạy ngang qua ngôi nhà đó tôi bèn ngừng xe lại, đi vào để tìm hiểu cho ra nguồn gốc của mùi hương đó.

Thì ra, đây là mùi hương của vanilla thiên nhiên, ngôi nhà này là một cửa hàng chuyên bày bán những sản phẩm độc đáo của Bora Bora, trong đó nổi tiếng nhất là black pearl (ngọc trai đen). Các bạn phái nữ nếu có dịp đến Bora Bora nên tìm mua cho được loại ngọc quí này. Tôi có gặp một tay Việt kiều chuyên mua bán nữ trang cao cấp cho biết là ngọc đen rất được ưa chuộng vì nó quí hiếm hơn ngọc trắng nhiều và các đảo như Tahiti, Bora Bora là nơi có ngọc đen nên mua ở đó chắc chắn sẽ rất được giá. Anh ấy còn cho tôi xem viên ngọc đen anh ấy mua tặng người vợ làm dây chuyền đeo cổ trông rất xinh xắn và nổi bật.

Ngoài các sản phẩm, ở đây họ còn trưng bày những con sò tạo nên ngọc trai để khách hàng xem cho biết và họ có trồng mấy cây vanilla vốn thuộc loại dây leo có trái lòng thòng giống như đậu đủa.


Ở ngoài sân, họ bày một cái bàn để phơi những trái vanilla. Có thể một số các bạn chưa biết vanilla dùng để làm gì nhưng chắc chắn các bạn đã từng ăn kem vanilla rồi. Còn món chè thưng của miền Nam mà thiếu cái mùi vị vanilla này thì sẽ mất ngon nếu không muốn nói là không thể thiếu được.


Du khách đến Bora Bora đã ít ỏi, dân bản xứ cũng không bao nhiêu, bãi biển đẹp rất nhiều nên các bạn nào thích yên tỉnh thì đây là destination lý tưởng vì có những nơi hoang vắng không sợ bị ai quấy rầy cả. Tôi đạp xe hết cả vòng đảo may lắm mới gặp được ba cô gái đang tắm biển, tôi chào hỏi và xin phép được chụp hình, các cô bé vui vẻ đồng ý ngay.


Đối diện với cây dừa xà, phía bên kia con đường tráng nhựa, có một cây ăn trái to lớn gần như một cây cổ thụ không rỏ là cây gì, chỉ thấy trái giống như trái nhản nhưng lớn hơn rụng đầy sân.


Bước vào sân và nhìn quanh quẩn mãi vẫn không thấy ai, có một ngôi nhà phía cuối sân, tôi nghĩ cứ đứng chờ xem có ai ra thì sẽ xin mấy trái ăn thử. Nhìn lên cành cây thấy có những chùm trái tươi tốt nằm chen lẩn với lá cũng khá giống với lá nhản nhưng to hơn. Tôi lựa chùm nào ăn ảnh nhất rồi bấm máy.


Trong khi chờ đợi có người đến, tôi lựa những trái đã rơi xuống sân nhưng còn sạch sẽ không bị dính đất để ăn thử. Đại khái, trái này có cơm giống như trái nhản nhưng dầy hơn gần bằng cơm của trái vải. Hột thì lại không giống với hột của trái nhản hay trái vải mà lại giống như hột của trái mận Mỹ Tho. Đặc biệt, mùi vị của trái này không giống trái nào ở Việt Nam cả. Thơm ngon và dễ ăn nhưng tôi không nghĩ có thể ăn thật nhiều được như nhản hay vải, mấy thứ đó tôi thường hay ăn cả kilo như chơi. Đợi mãi không có ai đi ra, tôi đành lượm một mớ trái chín rụng dưới sân rồi ra về vì tôi nghĩ chắc là không có gì trở ngại.


Suốt mấy ngày ở nơi pension nhưng tôi vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc với cô gái thường hay quét lá. Phải đợi đến những giờ phút cuối cùng khi thanh toán chi phí với bà chủ pension, tôi mới có dịp nói chuyện với cô bé vì cô ấy là cháu của bà. Bà cũng cho biết thêm cô bé có một phần giòng máu Việt vì ông nội của cô bé lai Việt Nam hay sao đó. Tôi nghĩ cũng không ngạc nhiên cho lắm vì Việt Nam đã từng là một thuộc địa của Pháp, nếu có người Việt nào lưu lạc đến một thuộc địa khác của Pháp thì không mấy chi lạ.


Hôm đó lại có một cô bạn gái của cô bé đến chơi, tôi bèn mời cả hai cùng chụp ảnh luôn. Loài hoa tươi trên vành tai của cô gái được dùng làm logo cho hảng hàng không Tahiti Nui mà chuyến bay của hảng đã đưa tôi đến Tahiti. Loại hoa này, hoặc tương tợ, tôi thấy có mọc ở các sông rạch nhỏ vùng đồng bằng Cửu Long, Việt Nam.


Trong khi chờ đợi chiếc xe buýt đến đón tôi ra xóm chợ Vaitape để rời khỏi Bora Bora, tôi ghi lại hình ảnh hai cô gái của hải đảo đang vui chơi với chiếc xe đạp. Phải chi tôi làm quen được với mấy cô gái một vài ngày trước đó thì chắc sẽ mời được các cô làm người mẫu cho tôi chụp ảnh.


Từ xóm chợ Vaitape, chiếc tàu nhỏ này gọi là navette giống như một chiếc xe buýt dưới nước đưa hành khách ra motu nơi có phi đạo.


Từ motu, nơi có phi đạo, nhìn về đảo chính Bora Bora một lần chót. Tôi quyết định lấy máy bay để trở về Tahiti cho kịp đáp chuyến bay về Los Angeles, California.


Nhìn từ trên không xuống cho thấy cấu tạo địa lý của hải đảo như Bora Bora, sóng biển bị chận lại không vào được lagoon, chỉ có một channel để tàu bè vào tận được bờ bên trong của đảo.

Một hành khách Pháp trên chiếc phi cơ cánh quạt nhỏ mà tôi đang đi chỉ cho tôi biết phía dưới đó có hòn đảo của Marlon Brando, cố tài tử nổi tiếng của bộ phim "The Godfather" rất say mê hải đảo và đã bỏ tiền ra mua luôn.

Từ giả Bora Bora, tôi rất mãn nguyện đã đến destination lý tưởng nhất của cuộc đời. Còn một destination khác mà tôi hy vọng sẽ đến được: midnight sun (mặt trời nửa đêm) của vùng trời Scandinavia (Bắc Âu). ♡