Thursday, November 15, 2007

Những Cô Gái Việt Hai Giòng Máu.


P. cô gái Việt-Nga: mẹ Việt Nam, cha Nga Sô.



D. cô gái Việt-Mỹ: mẹ Việt Nam, cha Mỹ.



C. cô gái Việt-Đức: mẹ Việt Nam, cha Đức.


L. cô gái Việt-Mỹ: mẹ Việt Nam, cha Mỹ.


B. cô gái Viêt-Hạ Uy Di: cha Việt Nam, mẹ Hạ Uy Di.


L. cô gái Việt-Hoa: mẹ Việt Nam, cha Trung Hoa. ♡

Wednesday, November 14, 2007

Những Cô Gái Đông Dương Ở Paris.

Người ta thường nói "Paris, Ville Lumière" (Ba Lê, Kinh Đô Ánh Sáng). Tôi đã có dịp đến Kinh Đô Ánh Sáng 3 lần: 1989, 1992, 1993. Trong những lần đó, tôi đã gặp những người đẹp của 3 nước Đông Dương đang sinh sống tại đây. Trước hết, tôi gặp một cô gái Việt rất đẹp, cô ấy cho biết đã từng làm người mẫu cho L'Oréal và còn tặng hình cho tôi nhưng nhất định không chịu để tôi chụp hình cô. Đành vậy thôi, đến bây giờ tôi không còn nhớ mặt mày của cô ấy ra sao nữa, thật đáng tiếc!


Ngược lại, tôi đã gặp thật nhiều may mắn với một cô gái người Lào khi tôi trở lại Paris lần thứ nhì. Hôm đó, tôi lang thang xuống quận 13 nơi tọa lạc của khu chợ búa Việt Nam, vào tiệm mua một ổ bánh mì thịt để ăn sáng thì chú ý ngay đến cô bán hàng xinh xắn nhưng chưa có ý định chụp hình. Khi tôi trở lại định gặp cô ấy để ngỏ lời mời chụp hình thì cô không đi làm và được biết cô ấy người Lào, tôi để lại số điện thoại và nhắn gọi lại cho tôi. Không ngờ cô ấy gọi lại thật và tôi đã có dịp chụp nhiều lô ảnh thật vừa ý.



Năm sau, tôi trở lại Paris một lần nữa.


Lần này, tôi chụp ảnh cô gái Lào với kỹ thuật làm cho trời tối lại để thấy mây trắng nổi bật trên bầu trời Paris.


Ngoài khu tháp Eiffel ra, tôi còn đưa cô gái Lào đến nhà một người bạn học từ thuở nhỏ ở ngoại ô Paris. Nơi đó có những bụi hoa đang nở rộ rất thơ mộng.


Trong chuyến đi Paris lần này, tôi còn có dịp làm quen với 3 cô gái Đông Dương: một cô Việt Nam và hai cô người Cambodge đang đi dạo quanh hồ nước nơi các cô sinh sống. Hai cô gái người Cambodge tên là H. và S., H. rất lịch sự, cha của H. là một giáo viên đã may mắn thoát khỏi vòng vây tử thần của nhóm Pol Pot tìm cách tiêu diệt hết những người có học thức. Hôm tôi đến nhà H. theo lời mời thì chỉ có H. ở nhà cùng với S. là chị em họ. Cha mẹ của H. có mở nhà hàng ăn ở ngoài phố nên vắng mặt. H. có một người anh trai ra tiếp chuyện tôi một lúc rồi cũng bỏ đi. Hai cô gái đải tôi ăn món chả giò Việt Nam mà họ gọi là nem.


Hôm đó, tôi đã có nguyên một ngày để chụp hình 2 cô bé từ phòng khách lên đến phòng ngủ.

Ngày hôm sau, tôi đi rà hết mấy cây cầu bắt qua sông Seine và nhận thấy cầu Alexandre đẹp nhất. Tôi liền mời H. ra cầu chụp hình. Mẹ của H. rất tốt, bà đưa H. và tôi đến đó chụp hình.


Cũng như hình chụp J. cô gái Lào, tôi luôn để tháp Eiffel vào hậu cảnh.


Đã quá lâu, tôi vẫn chưa có dịp trở lại Paris, tôi mong lần tới sẽ may mắn có dịp gặp được một cô gái Việt Nam xinh đẹp và với kỹ thuật số hiện nay sẽ tạo được nhiều bức ảnh ăn ý hơn nữa. ♡

Xi-Nê Sài Gòn Trước 1975. Những Phim Đã Chiếu.


3:10 to Yuma (1957) phim cao bồi, Glenn Ford, Van Heflin. 3 giờ 10 phút có chuyến xe lửa khởi hành đi Yuma, Glenn Ford trong vai một tướng cướp bị viên cảnh sát trưởng bắt và sẽ thưởng 200 dollars cho ai đứng ra canh giữ Ford trong khi chờ đợi chuyến xe lửa để giải đi Yuma. Van Heflin trong vai một nông dân có quá khứ nặng nề đang cần tiền vì thất mùa chịu đảm nhận canh giữ Ford trong khi đồng bọn của Ford đã hay tin và đang tìm cách giải giây. Trong khi chờ đợi chuyến xe lửa 3 giờ 10 phút, cuộc đối thoại giữa hai nhân vật cho thấy mỗi bên đều có bản chất sáng và tối...


A Yank in Vietnam (1964) phim chiến tranh, Marshall Thompson, Kiều Chinh, Hoàng Vĩnh Lộc, Mỹ Tín, Đoàn Châu Mậu, Năm Châu, Kiều Hạnh, Nguyễn Long và một số diễn viên Phi Luật Tân, phim còn có tên là "Year of the Tiger" vì khi tung ra thị trường nhằm lúc Chiến Tranh Việt Nam không được thuận lợi đối với công chúng Hoa Kỳ nên Hollywood cho đổi tên phim. Marshall Thompson vừa là đạo diễn vừa thủ vai chính của phim, một thiếu tá Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bị Việt Cộng bắt sau khi trực thăng bị bắn hạ. Cùng thời gian đó một bệnh viện bị tấn công và địch quân bắt đi ông bác sĩ và người con gái, vợ ông thì tử nạn. Một người câm trước đó đã từng được vị bác sĩ cứu giúp dẫn đường cho toán quân giải cứu thiếu tá Mỹ, bác sĩ và cô con gái. Trong lúc loạn lạc khói lửa, vị thiếu tá phải lòng cô gái. Phim có vài đặc điểm: nội ngoại cảnh được quay hoàn toàn tại Việt Nam ngay trong thời kỳ chiến tranh và dùng đến đơn vị quân đội Việt Nam Cộng Hòa thật để quay những cảnh hành quân chiến trường. Cốt chuyện và thời điểm quay đều xảy ra trước năm 1965 nên chỉ có cố vấn chứ chưa có sự hiện diện của quân đội chiến đấu Hoa Kỳ.


Borsalino (1970) phim găng tơ, Jean-Paul Belmondo. Alain Delon, Catherine Rouvel, Michel Bouquet, Françoise Christophe, Corinne Marchand. Phim rất ăn khách ở Sài Gòn năm xưa, một phần vì có sự góp mặt của hai tài tử gạo cội Pháp Jean-Paul Belmondo và Alain Delon trong vai hai tay du đảng trở thành anh chị bự rồi thanh toán các băng đảng khác tại thành phố Marseilles trong những năm 30 để rồi một trong hai người cũng phải bị loại. Phim có cảnh thật vui nhộn khi một xe chở đầy mèo đói được thả ngay giữa chợ cá. Jean-Paul Belmondo và Alain Delon ăn mặc thật bảnh bao theo kiểu găng tơ có vắt cái khăn trắng trên cổ, mốt này được anh ca sĩ Paolo Doãn bắt chước nhiệt tình mỗi khi đi ca hát.


Cherchez L'Idole (1963) Phim ca nhạc, Dany Saval, Franck Fernandel, Mylène Demongeot và một số rất đông ca nhạc sĩ nỗi tiếng nhất của Pháp thời bấy giờ như Sylvie Vartan, Eddy Mitchell, Les Chaussettes Noires, Charles Aznavour, Johnny Hallyday, chưa kể đến những người danh tiếng chỉ góp mặt cho vui như Daniel Gélin, Juliette Gréco, Marie Laforêt, Jean Marais, Françoise Sagan. Một anh chàng nghe lời xúi giục của người yêu đi ăn cấp một viên ngọc quí rồi hối hận từ bỏ người yêu đi tìm lại viên ngọc quí đã được giấu trong một cây đàn guitar thuộc về một trong năm ca sĩ đang đi trình diễn khắp nơi. Phim này được khán giả xi-nê trẻ thời đó đón nhận một cách say mê và ngây ngất với nét trẻ đẹp duyên dáng tuyệt trần của Sylvie Vartan và bài hát thật tình tứ "La Plus Belle Pour Aller Danser". Chỉ cần mua vé vào xem Sylvie hát là đáng tiền một cái vé rồi!


Cimarron (1960) phim cao bồi, Glenn Ford, Maria Schell, Anne Baxter, Arthur O'Connell, Russ Tamblyn, Vic Morrow. Vào năm 1889, ở tiểu bang Oklahoma có cuộc đổ xô đi khẩn đất. Gia đình họ Cravet tạo nên sự nghiệp với tờ báo Oklahoma Wigwam nhưng Glenn Ford, trong vai người chồng, lúc nào cũng có máu phiêu lưu đã bỏ lở cơ hội trở thành thống đốc khiến cho người vợ không khỏi buồn phiền.


Deux Hommes dans la Ville (1973) phim xã hội, Jean Gabin, Alain Delon, Michel Bouquet. Gino, một tù nhân thọ án tù 10 năm nhưng được thả sớm hơn 2 năm nhờ vào hạnh kiểm tốt và lòng từ tâm của viên giáo hóa đứng tuổi Germain vì ông này tin rằng con người có thể hoàn lương. Gino cũng thật tâm muốn vậy để vui hưởng hạnh phúc bên người vợ hiền đã từng chờ đợi mình suốt 10 năm trường. Nhưng phần số của Gino không được may mắn, cây muốn lặng mà gió chẳng đặng dừng, viên thanh tra Goitreau, người đã truy bắt, không tin vào thiện ý của Gino nên lúc nào cũng theo dõi rình rập để có dịp bắt lại. Rồi mây đen kéo đến, người vợ yêu quí của Gino qua đời trong một tai nạn do người khác gây ra, Gino quá nóng giận và một lần nửa vấp ngả. Lần này thật bi thảm vì đoạn đầu đài đang chờ đợi Gino. Mới xem qua thì tưởng chừng như phim nói về những kẻ xấu số có chạy trời cũng không khỏi nắng. Thật sự đây là một thông điệp của đạo diễn José Giovanni phản ứng lại với án tử hình, nên hay không nên chấm dứt một đời người và như trường hợp của Gino thì quả là quá khắc khe. Pháp luật của các quốc gia trên thế giới đã dùng án tử hình để làm gương và để loại bỏ hẳn những phần tử xấu xa ra khỏi xã hội. Thế rồi có một quan điểm cho rằng con người dù là nhân danh pháp luật vẫn không có quyền thay thế thượng đế để cất đi mạng sống một con người. Quan điểm này đã thuyết phục được một số quốc gia dẹp bỏ án tử hình. Nhưng rồi gần đây tội phạm lại xảy ra quá nhiều nên án tử hình phải được lập lại.


Easy Rider (1969) phim xã hội, Peter Fonda, Dennis Hopper, Jack Nicholson, Karen Black. 'Easy Rider' vào thập niên 60 nói theo tiếng lóng Hoa Kỳ có nghĩa là một người đàn ông sống bám vào người tình nhưng tựa phim này không diễn đạt theo ý nghĩa đó mà nói về hai tay 'yên hùng xa lộ' đi giang hồ thật sự và không hề nhờ vả đến đàn bà. Wyatt (Peter Fonda) và Billy (Dennis Hopper) thành công một 'phi vụ' ma túy. Với số tiền có được, hai chàng yên hùng ngựa sắt quyết định đi từ California sang Louisiana để vui hưởng lể Mardi Gras. Wyatt còn có nick name là 'Captain America', trang phục và chiêc mô tô của anh vẻ đầy quốc kỳ Mỹ, còn Billy thì mặc cái áo da có dây tua tụa lòng thòng theo kiểu người da đỏ. Trên con đường thiên lý từ miền tây sang miền đông Hoa Kỳ, họ gặp đủ mọi gay cấn từ chuyện gia nhập vào cộng đồng Hippy đến chuyện rắc rối với pháp luật. Cuối cùng họ cũng đến đích vui chơi lể Mardi Gras nhưng còn những nguy hiểm chết người khác đang chờ đợi họ. Có thể nói giới trẻ Hoa Kỳ sống trong thời kỳ 70 đều đã xem qua phim này. Tuy không phải là một phim vĩ đại theo kiểu những đại xuất phẩm của Hollywood nhưng Easy Rider lại được chú ý hơn rất nhiều phim khác vì phim được xem như một biểu tượng cho giai đoạn sôi động và phong phú nhất của văn hóa Mỹ trong bối cảnh thời phản chiến. Phim gây ảnh hưởng tận Âu Châu nên đã được mấy ông Pháp cho chiếu ở rạp Alliance Française Sài Gòn và tôi đã xem phim này ở đây. Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu tại sao Easy Rider lại được khán giả xi-nê năm châu quan tâm đến như vậy. Vài ba năm sau, sống ở Mỹ, có dịp đi giang hồ từ Florida sang California, từ miền đông sang miền tây rồi ngược lại, đường đi mỗi bận khoảng 4.000 cây số và cũng trải qua nhiều cam go, tôi mới thấy thật sự thấm thía với đề tài của Easy Rider. Tôi đã lái xe đi một mình qua lại như thế mấy lần, đã cho một cô gái Mỹ đi có giang và nhiều chuyện khác không kém ly kỳ đã xảy ra, đã vui chơi hưởng lể Mardi Gras suốt cả tuần liền ở New Orleans nên nghĩ lại mới thấy sự lôi cuốn của phim. Khi thực hiện Easy Rider, Peter Fonda, Dennis Hopper và Terry Southern muốn nói lên thái độ bất đồng của họ đối với giới cầm quyền, với những gì xảy ra trong xã hội Hoa Kỳ và nhất là khát vọng của thế hệ trẻ yêu nước luôn đi tìm một chân lý sống trong đó có quan niệm yêu theo lối Hippy hoặc 'yêu người, yêu đời' nói theo tựa một bài hát của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Hollywood, ngoài kỹ nghệ làm phim giải trí́ ra, còn có khuynh hướng luôn đi tìm những đề tài mới lạ kể cả những đề tài đi ngược lại với trào lưu văn hóa đương thời nên gọi là 'counter culture' chẳng hạn như việc đưa những cảnh hút sách ma túy lên màn ảnh rất thường xuyên do những nhân vật chính của phim hành động. Đối với tôi, giới trẻ khi xem phim sẽ dễ bị tác động rất nhiều và rất có thể sẽ bắt chước lối sống đó. Nhưng Hoa Kỳ là một xứ dân chủ, quyền tự do phát biểu tư tưởng được Hiến Pháp long trọng bảo vệ. Tuy vậy, trong quá khứ đã có lần giới cầm quyền ra tay mạnh mẽ quạt tơi bời một số nhà làm phim Hollywood, nhất là giới viết kịch bản, ̣đưa những người có đầu óc thiên Cộng Sản vào 'blacklist' để áp lực những nhà tư bản loại họ ra khỏi hàng ngủ giới làm phim Hollywood vào đầu thập niên 50 khi thời kỳ 'Cold War' bùng nổ cùng với chiến tranh Triều Tiên. Nói tóm lại, Easy Rider là một phim thuộc loại 'road movie' phải có mặt trong mọi sưu tập phim nhưng muốn thưởng thức trọn vẹn cần phải trải qua ít nhiều lối sống ngao du lang bạt hay ít ra thấu hiểu nền văn hóa nhiều màu sắc của Hoa Kỳ.


Europa di Notte (1959) (Nuits d'Europe / Âu Châu Về Đêm) phim ca vũ nhạc xiệc, Coccinelle, Channing Pollock, Carmen Sevilla, The Platters, The Fraternity Brothers. Làm thế nào để xem được những màn trình diễn nổi tiếng trong các hộp đêm ở Paris và các thành phố Âu Châu khác mà không phải tốn rất nhiều tiền đi đến đó và mua vé thật đắt đỏ? "Âu Châu Về Đêm" đã trả lời đúng ngay câu hỏi, chỉ cần mua một vé xi-nê, khán giả Sài Gòn đã xem được những màn trình diễn độc đáo lạ mắt của những nghệ sĩ lừng danh thế giới như Coccinelle với màn thoát y vũ. Tôi không nhớ màn này có bị cắt xén gì không, hình như đã bị cắt mất nguyên vẹn luôn nên thấy có trong danh sách giới thiệu đầu phim nhưng hoàn toàn không có trong phim. Dù sao thì khán giả vẫn thật hài lòng với những tiết mục khác của ảo thuật gia Channing Pollock, Carmen Sevilla với vũ điệu flamenco Tây Ban Nha, những ca sĩ nổi tiếng Domenico Modugno, The Platters, Henri Salvador, The Fraternity với nhạc phẩm "Passion Flower" (Tout l'Amour) mà sau này giới ca sĩ Sài Gòn đã hát đi hát lại hàng nhiều năm liền. Phim này đã mở đầu cho một loạt phim kế tiếp có hình thức tương tợ như "Thế Giới Về Đêm"... Ngay cả điện ảnh Việt Nam cũng đóng góp với phim "Saigon By Night".


Faibles Femmes (1959) phim tình cảm vui nhộn, Alain Delon, Mylène Demongeot, Pascale Petit, Jacqueline Sassard, Anita Ruff. Một anh chàng đẹp trai quá đắc đào có đến 3 nàng kiều nữ theo anh mê mệt. Thế nhưng anh chàng hào hoa này chưa chịu dừng lại ở con số 3 mà còn muốn tiến thêm đến con số 4 là một cô gái giàu có nước khác. Thế là 3 cô nàng đầu tiên kết hợp với nhau và cùng đi đến quyết định hạ thủ anh chàng bằng cách đầu độc... Cá nhân tôi cũng đã có lần lên đến con số 3 và nhận thấy thực sự mình chẳng sung sướng hạnh phúc gì cả. Có chăng chỉ là thỏa mãn cái tự ái (ego) vì đã là một tay chơi (playboy) vậy thôi chứ thực ra nhiều lúc cảm thấy mình không khác gì một con chó tháng bảy.


Fanny (1961) phim tình cám, Leslie Caron, Charles Boyer, Horst Buchholtz, Maurice Chevalier. Có một bài nhạc nói về người đi biển do nhạc sĩ Trường Hải sáng tác tựa là "Tình Ca Người Đi Biển". Tôi xin mượn tựa này và bỏ đi chử 'ca' để đặt tựa phim bằng tiếng Việt cho "Fanny" vì phim này không có dính líu gì đến ca hát cả. Người đi biển thì dù là thời chiến hay thời bình cũng đều làm cho người ở lại nhuốm buồn không nhiều thì ít và hạnh phúc gia đình xem như khó toàn vẹn. Fanny kể lại chuyện một cô gái cùng tên sinh sống ở Marseilles, một thành phố biển miền nam nước Pháp. Từ thuở còn thơ, Fanny và Marius đã thân thiết rồi lớn lên yêu nhau nhưng Marius luôn có mộng hải hồ. Fanny biết rỏ điều đó, vì tình yêu say đắm nên chấp nhận tất cả. Thế rồi Marius đi theo tiếng gọi của sóng biển để lại cho Fanny một bầu tâm sự. Cũng may có một ông bạn già của gia đình đã rất tốt bụng đứng ra lấy Fanny làm vợ và nuôi đứa bé như con ruột của mình. Rồi một ngày nọ, Marius xuất hiện trở về... Tôi vẫn còn nhớ thuở phim Fanny được chiếu ở Sài Gòn, một cô bạn của tôi thường hay nhắc lại cảnh Fanny tâm sự với cha là đã hiến thân cho Marius, ông bèn bật một diêm quẹt rồi nói "con thấy đó, đời người con gái giống như cái diêm quẹt này, nó chỉ cháy có một lần mà thôi".


Gunfight at the O.K. Corral (1957) phim cao bồi, Burt Lancaster, Kirk Douglas, Rhonda Fleming, John Ireland, Earl Holliman, Dennis Hopper. Cảnh sát trưởng huyền thoại Wyatt Earp khi về hưu sống với các em ở Tombstone, Arizona lại gặp gia đình đang có tranh chấp với nhà họ Clanton. Chuyện đến hồi phải giao đấu một mất một còn, Wyatt được sự giúp sức của một tay cờ bạc và cũng là một tay súng cừ khôi tuy hiện đang trong tình trạng sức khỏe suy yếu. Phim mỡ đầu bằng bài hát cùng tựa do nhà soạn nhạc lừng danh Dimitri Tiomkin sáng tác với giọng ca thật truyền cảm của Frankie Laine. Nhiều năm trước, phim đã được chiếu đi chiếu lại nhiều lần nhưng là ấn bản cũ. Đây là phim cuối cùng tôi xem ở Việt Nam. Chỉ hơn 24 giờ sau, tôi đã đến Clark Air Base, Phi Luật Tân vào hạ tuần tháng 4 năm 1975.


High Noon (1952) (Le Train Sifflera Trois Fois) phim cao bồi, Gary Cooper, Grace Kelly, Katy Jurado, LLoyd Bridges. Nếu chỉ được xem một phim cao bồi mà thôi thì đây là phim phải xem. Gary Cooper, được mệnh danh là ông vua cao bồi thời đó còn hay gọi là 'ga ri cọp', đóng vai một viên cảnh sát trưởng vừa mới cưới vợ và lên xe đi hưởng tuần trăng mật. Hôm đó cũng là ngày một tay cướp ra khỏi tù và sẽ đi chuyến xe lửa đến đúng 12 giờ trưa. Đồng bọn của hắn đang chờ ở nhà ga và sẽ kết hợp với nhau để thanh toán viên cảnh sát trưởng trả thù cho việc bị bắt lúc trước. Một bên là tình, một bên là nghỉa vụ, viên cảnh sát trưởng nhất định quay xe trở lại để đối đầu với băng cướp, nhưng dân làng lại quá hèn nhát, ai cũng quay lưng lại và gần như không còn ai để phụ giúp. Đóng vai người vợ mới cưới là Grace Kelly về sau này trở thành hoàng hậu của tiểu quốc Monaco. Phim có bài hát bất hủ mang cùng tên mở đầu bằng "Cưng ơi đừng bỏ anh trong ngày cưới của chúng ta hôm nay, chờ anh, hãy chờ anh nhé. Anh không biết số phận nào đang chờ đợi anh, anh chỉ biết là phải gan dạ và anh phải đối đầu với kẻ thù ghét anh hoặc nằm dưới mộ như một kẻ hèn nhát...anh không sợ chết nhưng anh sẽ làm gì đây nếu em bỏ anh... anh cần có em bên cạnh, hãy chờ anh, hãy ráng chờ anh..."


Hon Dansade en Sommar (1951) (Elle N'A Dansé Qu'un Seul Été / Tóc Em Chưa Úa Nắng Hè) phim tình cảm, Edvin Adolphson, Ulla Jacobsson, John Elfström, Folke Sundquist. Thành thật mà nói, tôi chưa được xem phim này nhưng vẫn còn nhớ vì cái tựa dễ thương của nó và là phim cấm trẻ em. Đây là một phim của Thụy Điển nên chuyện cấm trẻ em là bình thường vì trong phim có nhiều màn tắm khỏa thân của một chàng sinh viên và một cô thiếu nữ yêu nhau nhưng gặp phải quá nhiều gian truân thử thách.


Imitation General (1958) (Đại Tướng Giả Mạo) phim chiến tranh vui nhộn, Glenn Ford, Red Buttons, Taina Elg, Dean Jones. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, thượng sĩ Savage giả làm một vị tướng vừa tử trận để mong giữ vững tinh thần chiến hữu đang tìm cách thoát khỏi vòng giây của quân lính Đức Quốc Xã. Savage có thể thành công miễn sao tránh được một binh sĩ biết rất rỏ lai lịch của anh.


Imitation of Life (1959) (Mirage de la Vie / Ảo Ảnh Cuộc Đời) phim tình cảm, Lana Turner, John Gavin, Sandra Dee, Robert Alda, Susan Kohner, Juanita Moore, Troy Donahue. Phim đã làm rơi lệ biết bao khán giả Sài Gòn. Câu chuyện về một nữ tài tử da trắng kết bạn với một phụ nữ da đen, hai người đều có con gái. Con gái của người phụ nữ da đen, vì lai da trắng, nên không muốn ai biết tông tích của mình, nhất là về người mẹ da màu. Bao nhiêu ngang trái xảy ra từ đó...Tôi biết có nhiều khán giả thuê xe đưa cả gia đình từ quê lên Sài Gòn để xem phim này.


Ivanhoe (1952) phim kiếm hiệp thời Trung Cổ Âu Châu, Robert Taylor, Elizabeth Taylor, Joan Fontaine, George Sanders. Hiệp sĩ Ivanhoe theo con đường chính nghĩa hợp lực với Robin Hood cùng phò đưa vua Richard trở lại ngai vàng đang bị một hoàng tử ác độc soán ngôi. Tôi được xem "Ivanhoe" tại nhà hát của trường Taberd nơi tôi theo học. Vào tuổi mới lớn thời còn học sinh trung học nhưng khán giả đã biết chiêm ngưởng sắc đẹp phụ nữ, lúc nữ tài tử Elizabeth Taylor xuất hiện trong phim thì cả hội trường ồ lên một tiếng. Mà quả thật Elizabeth Taylor đẹp tuyệt vời. Chẳng những có thể nói Elizabeth Taylor là nữ tài tử đẹp nhất từ xưa đến nay mà vào thời điểm của phim này, sau khi đóng phim nhi đồng từ lúc mới 10 tuổi, Elizabeth Taylor đi vào tuổi đẹp nhất như một bông hoa vừa mới nở. Đây là phim thứ nhì, sau phim "Quo Vadis" (1951), Liz đóng chung với nam tài tử Robert Taylor tuy cùng họ nhưng không có bà con thân thích gì với nhau.


Jubal (1956) phim cao bồi, Glenn Ford, Ernest Borgnine, Rod Steiger, Charles Bronson. Phim đầy tình tiết éo le. Jubal là một chàng trai hào hiệp và chân chính, anh được một chủ trang trại cứu vớt và tin dùng, điều này khiến cho tay toán trưởng của trang trại đố kỵ ghanh ghét. Ngoài ra, Jubal lại còn được người vợ trẻ của chủ trang trại cảm mến. Không được đoái hoài vì Jubal một mực nhớ ơn người đã cứu vớt mình, cô vợ trẻ bèn bày ra đủ chuyện. Trong bối cảnh rối ren đó còn có thêm những trận chạm trán giữa các trang trại và có một nhóm giáo phái đến nương náu trên đồng cỏ của trang trại càng làm mọi chuyện gút mắt thêm.


La Nuit Américaine (1973) (Day For Night) phim tình cảm, Jacqueline Bisset, Valentina Cortese, Jean-Pierre Léaud, Dani, Jean-Pierre Aumont, Alexandra Stewart, François Truffaut, Nathalie Baye. Có nhiều đặc điểm để nói về phim này. Trước hết, đây là một phim nổi tiếng để đời của François Truffaut đã đoạt 3 giải Oscar tại Hollywood năm 1973: Phim Ngoại Quốc Hay Nhất, Valentina Cortese Nữ Tài Tử Phụ Xuất Sắc Nhất, François Truffaut Đạo Diễn Xuất Sắc Nhất. Điểm thứ nhì là tựa của phim. Nếu dùng tựa tiếng Anh 'Day For Night' (Ngày Làm Đêm) thì sẽ dễ hiểu hơn nhưng nếu dùng tựa tiếng Pháp nguyên thủy 'La Nuit Américaine' (Đêm Hoa Kỳ) sẽ rất dễ hiểu sai hoặc tối nghĩa. Vậy Đêm Hoa Kỳ hay Ngày Làm Đêm là gì? Đó là một kỹ thuật quay phim ban ngày cho những cảnh ban đêm bằng cách đóng ống kính nhỏ lại để cho hình ảnh thiếu sáng (underexposed). Điểm thứ ba, Truffaut đưa ra cốt chuyện độc đáo, một cuốn phim trong một cuốn phim, những gì xảy ra nơi phim trường có khi còn éo le hơn cả éo le của phim đang quay.


Le Genou de Claire (1970) (Claire's Knee) phim tâm lý, Jean-Claude Brialy, Aurora Cornu, Béatrice Romand, Laurence de Monaghan. Mọi sự trên đời này luôn được thích hay bị chê. "Le Genou de Claire" không tránh khỏi tình trạng đó. Phe chê thì cho rằng phim này lòng vòng không nói lên điều gì thiết thực. Tôi ở bên phe khen ngợi đạo diễn Eric Rohmer đã đưa ra một chủ đề rất đáng chú ý. Tuy có một vài điểm không hoàn toàn đồng ý với đạo diễn nhưng sau khi tìm hiểu rỏ hơn về tâm lý xã hội Pháp, tôi cho rằng rất chấp nhận được quan điểm của phim. Nhà ngoại giao trẻ Jérôme sắp sửa lập gia đình, anh trở về vùng hồ núi Annecy để bán căn nhà. Tại đây, anh gặp lại một cô bạn thân thiết là văn sĩ đang cư ngụ trong một gia đình có hai cô con gái trẻ. Trước tiên, anh gặp cô em Laura trước, cô bé đem lòng thương mến nhưng khi biết anh sắp lấy vợ nên thối thoát. Kế tiếp, anh gặp cô chị là Claire với đường nét thanh nhã khiến anh để ý không nguôi mặc dù Claire đã có bồ. Đặc biệt, Jérôme luôn bị ám ảnh bởi cái đầu gối thon nhỏ xinh xắn của Claire và luôn mong muốn có dịp được sờ vào nơi mà anh cho là gợi cảm bậc nhất của một người con gái. Jérôme tâm sự là sờ được và để cho sờ không phải là chuyện dễ... Phim được nhiều giải thưởng và là một phim Pháp vốn hay nói nhiều lại được khán giả Hoa Kỳ ưa thích. Tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với các phụ nữ Hoa Kỳ và hơi ngạc nhiên là họ đều đã xem và thich "Claire's Knee".


Les Choses de la Vie (1970) phim tình cảm, Michel Piccoli, Romy Schneider, Léa Massari. Pierre, một kiến trúc sư trung niên đang lái xe trên một con đường làng thì gặp tai nạn. Nằm trên bải cỏ hấp hối, ông hồi tưởng lại đoạn đường đời khá trắc trở đã đi qua: người vợ cũ, thằng con trai, và cô tình nhân quá ghen tuông. Pierre vừa gửi xong một bức thư tuyệt tình nhưng lại cảm thấy hối tiếc nên cố chạy nhanh hầu kịp chặn bức thư đó, chẳng may lại gặp nạn...


Les Félins (1964) (Joy House) phim tâm lý xã hội, Alain Delon, Jane Fonda, Lola Albright. Phim do đạo diễn Pháp kỳ cựu René Clément thực hiện. Marc là một gả du thủ mén nhờ có dáng bảnh bao đẹp trai nên thường hay hào hoa với phái đẹp, không ngờ lại vớ phải một kiều nữ đã có chủ lại là hạng găng tơ thứ dữ nên phải chạy trốn. Marc tưởng đã gặp may mắn khi được một mệnh phụ Hoa Kỳ và cô cháu gái thu nhận làm tài xế riêng. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Giờ đây, Marc lại phải đương đầu với tình thế mới không kém phần ly kỳ. Tôi được xem phim này ở đơn vị Công Binh, phim của quân đội Hoa Kỳ nên không có phụ đề Việt ngữ. Về sau, xem lại phim này ở rạp Rex với phần phụ đề đầy đủ nên hiểu rỏ thêm tình tiết. Tuy là phim đen trắng nhưng giới phê bình đã ca ngợi góc cạnh thu hình tuyệt hảo làm cho phim càng thêm hấp dẫn. Phần nhạc phim do Lalo Schifrin (Mission: Impossible) đảm trách khiến cho khán giả khi xem xong phim vẫn còn âm hường đâu đó.


Liane, das Mädchen aus dem Urwald (1956) (Liane La Sauvageonne / Liane Cô Gái Rừng Xanh) phim phiêu lưu mạo hiễm, Marion Michael, Hardy Krüger. Tôi không chắc đây là cái tựa phim mà khi xưa các rạp xi-nê Sài Gòn dùng hay không, nhưng nếu dịch sát nghĩa thì cũng vậy thôi. Phim của Tây Đức rất hấp dẫn cho cánh đàn ông vì Liane sống trong rừng xanh ở Phi Châu chỉ mặc có miếng vải nhỏ che phía dưới còn ngực thì luôn để trần, thỉnh thoảng bị làn tóc dài che lại. Liane cứu phóng viên người Đức bị nạn và được anh này đưa về Đức. Mọi chuyện rắc rối bắt đầu xảy ra vì có người không muốn Liane còn sống...


Parrish (1961) phim tình cảm, Troy Donahue, Claudette Colbert, Karl Malden, Dean Jagger, Connie Stevens, Diane McBain, Sharon Hugueny. Câu chuyện xoay quanh anh chàng thanh niên Parrish đẹp trai, đi đâu cũng được các cô gái vùng trồng thuốc lá Connecticut River Valley để ý và chiếu cố. Connie Stevens thủ vai một cô gái xinh đẹp nhưng có nhiều quá khứ, không được trong sáng như Sharon Hugueny trong vai một cô gái trẻ trung hơn. Phim có bài nhạc đệm rất hay khiến cho khán giả sau khi xem phim vẫn còn cảm giác dễ chịu lưu luyến.


Per un Pugno di Dollari (1964) (A Fistful of Dollars / Pour une Poignée de Dollars) phim cao bồi, Clint Eastwood, Marianne Koch, Gian Maria Volontè, José Calvo. Đầu thập niên 60, phim cao bồi không còn ăn khách đối với khán giả Hoa Kỳ nên Hollywood lơi dần việc sản xuất phim loại này. Trong khi đó, khán giả Âu Châu vẫn còn ưa chuộng nên một số nhà làm phim Ý đã cho ra đời những phim cao bồi cây nhà lá vườn, tất cả đều của Âu Châu từ đạo diễn, tài tử, cốt chuyện, nội cảnh, ngoại cảnh. Vì thế khi xem phim, ngoài sự nhàm chán vì rập theo khuôn mẫu của Hollywood, chắc chắn khán giả nhận ra sự khác biệt đôi khi đến buồn cười. Những phim Ý này được gọi một cách ví von là 'spaghetti westerns' (cao bồi mì Ý). Thế rồi đạo diễn Ý Sergio Leone với phim "Per Un Pugno di Dollari" đã làm thay đổi hẳn khuôn mặt của loại phim cao bồi từ đó trở đi. Phim được phỏng theo "Yojimbo", một kiệt tác phẩm của đạo diễn trứ danh Nhật Bản Akira Kurosawa, kể lại chuyện một tay samurai đơn thân đến một làng nọ đang có tranh chấp giữa hai băng đảng rồi dùng tài trí khiến cho hai băng đảng tự tiêu diệt lẩn nhau để rồi cuối cùng tay samurai ra đi thủ lợi với một số tiền lớn lao. Sergio Leone thay thế tay samurai bằng một tay súng giang hồ cưởi ngựa đến một thị trấn nọ. Thế là có được một cốt chuyện ly kỳ hấp dẩn. Nhưng cốt chuyện không thôi chưa phải là cái nổi bật của phim, Sergio Leone đã đưa vào phim những nét mới lạ mà các phim cao bồi từ trước chưa có. Trước tiên, người hùng của phim không còn đạo mạo nửa và cũng tham tiền như ai. Phim cao bồi của Hollywood tuy có bắn súng nhưng vẫn có một qui luật ngầm chỉ cho phép phô diễn bạo lực tới một giới hạn nào đó, đạo đức và luân lý vẫn là chuẩn. Phim của Sergio Leone và các loạt phim cao bồi spaghetti về sau này cho bắn giết loạn lên miễn là đừng bắn giết dân lành vô tội. Về phần kỹ thuật điện ảnh, "Per un Pugno di Dollari" áp dụng những lối thu hình ảnh thật rộng và cực cận mới lạ cho thấy thật rỏ nét mặt của các nhân vật chính, cái nhíu mắt, cái cắn răng với điếu xì gà nhỏ trên môi, tiếng bước đi đều đặn chậm rải của đôi giày bốt da có thêm tiếng khua của cái sao đinh thúc ngựa là cả một sự sắp xếp tỉ mỉ thu hút khán giả đến mức cực đỉnh. Chưa hết, lại còn phần nhạc đệm độc đáo từ giai điệu đến lối tấu nhạc chuyên xữ dụng những nhạc khí có âm thanh ru hồn hoặc căng thẳng sống động làm cho khán giả sau khi xem phim vẫn còn nhớ mãi những pha then chốt. Phải nói đến công lao của Ennio Morricone đã soạn nhạc thật đặc sắc cho phim. Người hùng, nhân vật chính của phim này cũng như của hai phim kế tiếp "Per Qualche Dollaro in più" (For a Few Dollars More), "Il Buono, il Brutto, il Cattivo" (The Good, the Bad, the Ugly) trong Trilogy (bộ phim 3 tập) đều không có tên và điểm này được quảng cáo rầm rộ tạo thêm sự mới lạ. Tuy nhiên, khi tung phim này vào thị trường Hoa Kỳ mãi đến ba năm sau, giới phát hành sợ gặp phải chê bai nên cho đổi tên những người làm phim thành tên Mỹ như Sergio Leone thành Bob Robertson, Ennio Morricone thành Dan Savio. Không ngờ phim này lại quá thành công và đã đưa tài tử Hoa Kỳ Clint Eastwood lên đài danh vọng. Khán giả Sài Gòn thời đó đón nhận phim cao bồi này tương đối khá nồng nhiệt và cảm thấy có gì mới lạ hơn những phim cao bồi khác đã được xem. Tài tử Clint Eastwood đã gây được sự chú ý đặc biệt. Riêng cá nhân tôi thuở đó vẫn không nhớ rỏ khuôn mặt của tài tử này nên về sau nhầm lẩn với khuôn mặt của tài tử Franco Nero trong vai Django.


Pocketful of Miracles (1961) phim xã hội vui nhộn, Glenn Ford, Bette Davis, Hope Lange, Arthur O'Connell, Peter Falk, Ann-Margret. Bà lảo bán táo dạo Annie cho con gái đi du học ở Âu Châu từ lúc nó còn bé. Nay cô gái đã lớn và sắp thành hôn với một công tử quí tộc Tây Ban Nha. Làm thế nào bây giờ? Bà Annie bèn nhờ đến Dave the Dude, một tay găng tơ hào hoa, giúp đở bà giả làm một bà triệu phú lừng danh để cho cô con gái khỏi phải mất mặt với nhà chồng.


Rashomon (1950) (Lã Sanh Môn) phim tâm lý xã hội, Toshiro Mifune, Masayuki Mori, Machiko Kyo, Takashi Shimura. Đây là một trong những phim để đời của đạo diễn Nhật Akira Kurosawa. Tài tử ruột của ông là Toshiro Mifune thủ vai một tên thảo khấu chặn đường hành hung vợ chồng một hiệp sĩ lúc họ đi ngang qua một khu rừng. Chuyện xảy ra dẫn đến cái chết của người hiệp sĩ, tên cướp bị bắt và bị đem ra tòa án xét xữ nhưng sự thật không phải dễ dàng được sáng tỏ. Mỗi người liên quan đến vụ án: tên cướp, người vợ, gả tiều phu mục kích hiện trường, luôn cả hồn của người hiệp sĩ được một bà đồng bóng gọi về đều kể lại sự việc mỗi người một lối khác nhau. Đâu là sự thật? Đạo diễn kỳ tài đã xữ dụng rất nhiều kỹ thuật điện ảnh cho phim, ông còn cho pha mực đen vào nước để làm cho cảnh mưa to càng thêm phần bi thảm. Phim đoạt giải Oscar Phim Ngoại Quốc Hay Nhất.


Sois Belle... et Tais-Toi! (1957) phim xã hội, Jean-Paul Belmondo, Alain Delon, Mylène Demongeot, Henri Vidal, Roger Hanin, Darry Cowl. Virginie là một thiếu nữ xinh đẹp gợi cảm vừa trốn khỏi trại giáo hóa rồi gia nhập lại đám thanh thiếu niên lêu lỏng làm chuyện mờ ám... Câu chuyện chẳng có gì đáng nói hoặc phải có sống ở xã hội Pháp thì mới thấy phim có ý nghĩa. Dù sao, ở vào thời điểm những năm xưa, khán giả Sài Gòn khá dễ tính, miễn có ngắm được người đẹp Mylène Demongeot cũn cỡn là đủ rồi. Ngoài ra, phim còn có sự góp mặt của các tài tử Pháp về sau này rất nổi tiếng như Jean-Paul Belmondo, Alain Delon.


Summer of '42 (1971) phim tình cảm, Jennifer O'Neill, Gary Grimes. Phim rất ăn khách một dạo ở Sài Gòn được cả giới nam lẩn nữ khán giả ưa chuộng. Trong bối cảnh hậu phương của Đệ Nhị Thế Chiến, những cậu bé tuổi mới lớn vui chơi với các bạn trai gái đồng lứa nhưng có một cậu trai lại phải lòng yêu thương một phụ nữ lớn tuổi hơn có chồng, người ấy đã lên đường chinh chiến ở tận một phương trời xa. Thế rồi một hôm, bức thư đen tối báo tin dữ đến với người phụ nữ. Quá cô đơn và cần một niềm an ủi, người phụ nữ đã ngã vào vòng tay của cậu thiếu niên và cho cậu ta một mùa hè nhớ đời. Nhạc đệm của phim thật truyền cảm do nhạc sĩ Michel Legrand sáng tác đoạt giải Oscar Nhạc Phim Hay Nhất năm 1972.


The Fastest Gun Alive (1956) (Bắn Chậm Thì Chết) phim cao bồi, Glenn Ford, Jeanne Crain, Broderick Crawford, Russ Tamblyn. Một tay súng cừ khôi giải nghệ để sống một cuộc đời bình dị bên người vợ hiền. Dân trong làng đồng lòng trợ giúp ý nguyện của anh nhưng có một tên đầu đảng của băng cướp nhất quyết thách anh đấu súng, bằng không hắn sẽ cho đốt phá thiêu hủy cả làng.


The Four Horsemen of the Apocalypse (1962) phim xã hội, Glenn Ford, Ingrid Thulin, Charles Boyer, Lee J. Cobb, Yvette Mimieux, Karlheinz Böhm, Paul Henreid. Câu chuyện về hai gia đình rất thân thiết với nhau nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh đã trở thành đối nghịch. Gia đình Desnoyers và Von Hartrott cùng sinh sống ở Á Căn Đình và trở thành họ hàng với nhau. Thế rồi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, gia đình Von Hartrott trở về Đức, người cha trở thành một vị tướng Đức Quốc xã và người con Heinrich là một sĩ quan SS phụ trách cai quản vùng Paris. Gia đình Desnoyers trở thành công dân Á Căn Đình rồi sau đó cũng di chuyển về vùng Paris. Con trai Julio vẫn là một tay ăn chơi trong khi em gái là Chichi đi theo kháng chiến Pháp, bị Gestapo bắt và tra tấn đến chết. Julio lúc bấy giờ mới cảm thấy cần phải dấn thân đi theo kháng chiến Pháp. Với bộ gió ăn chơi, Julio có nhiều cơ hội để thu thập tin tức và nhất là mới có thể chạm mặt được Heinrich...


The Guns of Navarone (1961) (Les Canons de Navarone) phim chiến tranh, Gregory Peck, David Niven, Anthony Quinn, Stanley Baker, Richard Attenborough, Anthony Quayle, James Robertson Justice, James Darren, Irene Papas, Gia Scala, Richard Harris. Rập theo khuôn mẫu của loại phim chiến tranh hoàn thành sứ mạng được gao phó, Gregory Peck đóng vai một sĩ quan trung cấp Đồng Minh chỉ huy một toán đặc nhiệm tìm cách phá hủy hai khẩu đại bác hạng nặng của Đức Quốc Xã đặt trên núi Navarone. Hai khẩu đại bác này rất lợi hại vì kềm chế được kế hoạch hành quân của hạm đội Đồng Minh trong vùng Địa Trung Hải. Toán đặc nhiệm, dù được sự giúp đở hữu hiệu của kháng chiến quân Hy Lạp, gặp phải rất nhiều khó khăn từ việc đương đầu với lính Đức đến những vấn đề bất đồng nội bộ và nguy hơn hết là có âm mưu phản nghịch. Phim có bài nhạc hùng do Dimitri Tiomkin sáng tác rất hay.


The Last Man on Earth (1964) phim kinh dị giả tưởng, Vincent Price và một lô tài tử Ý cũng vì phim này được quay hoàn toàn ở Ý. Vincent Price là tài tử có một giọng nói thật trầm và ma quái nhất Hollywood. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ thu hút được giới khán giả mê thích phim kinh dị. Phim lại còn xoay quanh câu chuyện của một người cuối cùng còn sống sót trên địa cầu phải đương đầu với đám ma cà rồng. Thật ra phim này còn là một sự phân tích tâm lý con người ở vào hoàn cảnh không còn đồng loại nào chung quanh mình cả.


The Omega Man (1971) phim kinh dị giả tưởng, Charlton Heston và một lô tài tử không tiếng tăm, cũng rất hợp lý vì chuyện phim nói về một người cuối cùng trên địa cầu thì còn nhân vật nào nổi bật nửa đâu? Chỉ 7 năm sau phim "The Last Man on Earth", Hollywood cho quay lại cốt chuyện được sửa đổi đi đôi chút, lần này người cuối cùng không phải đương đầu với đám ma cà rồng mà đương đầu với đám người bị biến dạng thành nửa người nửa ngợm. Tuy về phần kỹ thuật điện ảnh, phim này có nét tân kỳ hơn nhưng lại không được giới phê bình phim ảnh ưa thích bằng phim trước trong đó yếu tố tâm lý của một người không đồng loại được mô tả sâu xa hơn.


The Sheepman (1958) (La Vallée de la Poudre / Vùng Thuốc Súng) phim cao bồi, Glenn Ford, Shirley MacLaine, Leslie Nielsen. Một kẻ lạ đến làng nuôi bò nọ đem theo một đàn cừu và nhất định cho cừu ăn cỏ nơi đó bất chấp mọi sự chống đối của dân làng đang tìm đủ mọi cách để tống khứ anh chàng nuôi cừu này.


The Teahouse of the August Moon (1956) (Trà Thất Dưới Trăng Thu) phim xã hội vui nhộn, Marlon Brando, Glenn Ford, Machiko Kyô, Eddie Albert. Đệ Nhị Thế Chiến vừa chấm dứt được một năm, Hoa Kỳ đang cai quản Nhật Bản. Đại uý Fisby được cử đến một làng ở Okinawa để giảng dạy về dân chủ. Việc đầu tiên là xây một trường học nhưng dân làng lại muốn có một trà thất trước đã. Làm thế nào để đại úy Fisby có thể đệ trình lên cấp trên một kế hoạch ngược đời như vậy!


Torpedo Run (1958) phim chiến tranh, Glenn Ford, Ernest Borgnine, Dean Jones. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, thuyền trưởng của một tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ có sứ mạng phải đánh đắm chiếc hàng không mẫu hạm Nhật Bản đã tấn công Trân Châu Cảng. Vợ và con của ông đã bị quân Nhật bắt cùng với một số tù binh Hoa Kỳ. Quân Nhật lại dùng những người này như một tấm bình phong bằng người để che chở cho chiếc hàng không mẫu hạm.


Un Homme et une Femme (1966) (A Man and a Woman) phim tình cảm, Jean-Louis Trintignant, Anouk Aimée. Một người đàn ông và một người đàn bà, cả hai đều có con học nội trú ở một trường nhỏ miền quê gần bờ biển. Cuối tuần, cả hai đến rước con đi chơi rồi quen nhau, yêu nhau... Phim đoạt 2 giải Oscar Phim Ngoại Quốc Hay Nhất và Chuyện Phim Viết Trực Tiếp Cho Phim Hay Nhất. Tình tiết thật nhẹ nhàng lại được Francis Lai soạn nhạc để đời cho phim. Bài nhạc cùng tên này cũng được các chuyên viên Đài FM Hoa Kỳ ưa thích dùng làm nhạc hiệu cho chương trình, cứ đúng 8 giờ 30 tối là cho phát thanh. Thời đó, nhạc sĩ dương cầm Thoại Tinh làm trưởng ban nhạc phòng trà Blue Diamond, mỗi đêm khi bài nhạc "A Man and a Woman" trên làn sóng FM vừa chấm dứt thì nhạc sĩ cho ban nhạc chơi tiếp bài này luôn nên được khán giả Hoa Kỳ hoan nghênh nhiệt liệt. Về sau này, Thoại Tinh về làm nhạc trưởng vũ trường Bách Hỹ và thu nhận tôi vào ban nhạc chơi bass guitar. Mỗi đêm, khi mở đầu chương trình ca nhạc, chúng tôi hòa tấu bài này và bài cuối cùng để chấm dứt chương trình cũng là bài này. Tôi chơi nhạc ỡ vũ trường này suốt mấy năm trời cho đến những ngày loạn ly tháng 4 năm 1975, ampli nhạc cụ vẫn còn để ở vũ trường, rồi di tản rời khỏi Việt nam đi Hoa Kỳ.


Un Peu de Soleil dans l'Eau Froide (1971) (Một Chút Nắng Trong Nước Lạnh) phim tình cảm, Marc Porel, Claudine Auger, Bernard Fresson, André Falcon, Barbara Bach. Phỏng theo tiểu thuyết của nữ văn sĩ Françoise Sagan, Gilles là một chàng trai trẻ gặp Nathalie, một phụ nữ trưởng giả đẹp nhưng đã có chồng. Hai người yêu nhau, sống chung với nhau nhưng cuộc tình không bền vững rồi bắt đầu đi vào ngõ tối. Một hôm nọ, Nathalie bất chợt nghe được câu chuyện giữa Gilles và một người bạn trai mà nội dung không mấy thuận lợi cho cuộc tình nên Nathalie bỏ đi... Cùng giống như những tiểu thuyết khác của Françoise Sagan, phim này nói lên thân phận chua chát của người đàn bà khi bắt đầu có tuổi, dù đẹp dù sang nhưng rốt cuộc vẫn hẩm hiu.


Un Verano Para Matar (1972) (Summertime Killer / Meurtres au Soleil / Tình Thù Rực Nắng) phim hoạt động, Christopher Mitchum, Karl Malden, Olivia Hussey, Claudine Auger, Raf Vallone. Ngoài đời, tài tử gạo cội Robert Mitchum có hai người con trai James và Christopher, cả hai đều nối nghiệp cha và tạo nên tên tuổi cho riêng mình. Trong phim này, Christopher thủ vai một cậu bé chứng kiến cha mình bị sát hại, lớn lên cậu thanh niên nhất quyết đi tìm những kẻ sát nhân để trả thù cho cha mình. Hollywood rất ít khi hợp tác với các nước khác để làm phim, trái lại những phim của Âu Châu phần nhiều đều có sự hợp tác giữa hai, ba, bốn, năm nước để làm phim. Phim này do Pháp, Ý và Tây Ban Nha hợp tác sản xuất.


Vera Cruz (1954) phim cao bồi, Gary Cooper, Burt Lancaster, Cesar Romero, Sara Montiel, Ernest Borgnine, Charles Bronson. Sau khi cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt, hai tay súng giang hồ gặp và kết bạn với nhau rồi cùng vượt biên giới xuống Mexico kiếm ăn. Họ được nhà vua ở đó giao cho sứ mạng hộ tống một đoàn xe đi qua vùng cách mạng. Khi biết được trong một xe có chứa đầy vàng, lòng tham con người nổi dậy và mọi chuyện gay cấn ly kỳ bắt đầu diễn ra.


You're Never Too Young (1955) (Un Pitre Au Pensionnat / Thằng Khờ Đại Náo Ký Túc Xá) phim khôi hài, Dean Martin, Jerry Lewis, Diana Lynn, Nina Foch, Raymond Burr. Cái tựa tiếng Việt dịch theo tựa tiếng Pháp chỉ đúng nghĩa một phần, đáng lẻ là trường nội trú thay vì ký túc xá mới đúng. Tôi nhớ đây là phim đầu tiên khán giả xi-nê Sài Gòn được làm quen với danh hề Jerry Lewis. Vai của anh quá nổi bật khiến cho vai của Dean Martin hơi lu mờ, chưa kể Dean Martin lại hay hát hò nên chắc chắn khán giả Sài Gòn không quen lắm với giọng ca và những bài hát không nổi tiếng đôi khi còn làm nhịp điệu vui nhộn của phim khựng lại. Jerry Lewis đóng vai một anh chàng thợ phụ hớt tóc chẳng may vô tình vướng vào một vụ trộm kim cương mặc dù anh hoàn toàn vô tội. Bị tên cướp truy tìm ráo riết vì hắn đã kín đáo nhét viên kim cương vào áo quần của anh, anh bèn phải bỏ trốn bằng xe lửa. Không đủ tiền mua vẻ, anh bèn giả làm đứa bé 12 tuổi để được mua giá phân nửa tạo nên những trận cười nghiêng ngữa. Chưa hết, anh còn được một thày giáo dạy nhạc và một và một cô giáo giúp anh lẫn trốn vào một trường nội trú nữ càng làm cho khán giả cười muốn vỡ bụng luôn. Tuy được khán giả toàn thế giới ưa thích nhưng phim này không phải nguyên thủy mà được phóng tác từ phim "A Major and a Minor" (1944). "Thằng Khờ Đại Náo Ký Túc Xá" là phim vui nhộn nhất của cặp bài trùng Dean Martin - Jerry Lewis. Một thời gian sau, cặp này tan rả và Jerry Lewis tiếp tục đóng phim một mình. Khi còn Dean Martin thì tôi thấy vai của Dean hơi vướng víu nhưng khi Jerry Lewis đóng một mình, tôi lại thấy như thiếu một cái gì làm cho phim không còn vui nhộn trọn vẹn. Riêng về Dean Martin, sau khi tách khỏi đóng đôi với Jerry Lewis và gia nhập nhóm Frank Sinatra, sự nghiệp điện ảnh và ca hát của anh đã tiến bộ vượt bực.

(còn tiếp)