Tuesday, August 11, 2009

Xem Ảnh Đề Thơ.

Tôi có một người bạn thân tên là Đặng Ngọc Long, chúng tôi quen nhau trong quân ngũ từ thời hai đứa cùng phục vụ tại Cục Quân Cụ, Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 70. Long và tôi có những điểm tương đồng rất nổi bật. Trước hết về phương diện học vấn, hai chúng tôi đều là hàng binh sĩ lính thành phố nhưng luôn đeo đuổi con đường học vấn cho đến cùng. Cả hai đều được các sĩ quan thượng cấp trong đơn vị dành cho mọi sự dễ dãi trong công việc, thoải mái cắp sách đến trường luật để đạt được văn bằng Cử Nhân Luật Khoa Công Pháp. Tôi ra trường năm 1973 rồi tiếp tục học lên Cao Học cho đến khi rời khỏi Việt Nam vào năm 1975. Còn Long thì ra trường vào năm 1974 và cũng kể từ đó tôi phải thuyên chuyển trở về đơn vị gốc ở Lục Quân Công Xưởng nên không còn dịp gặp Long nữa rồi chúng tôi mất liên lạc luôn.

Cả hai đứa đều là những con người nghệ sĩ tính và đa năng. Thời đó tôi vẫn chưa được biết Long sẽ là một thi sĩ như về sau nầy mặc dầu đã thấy trong anh luôn toát ra một cái gì rất ư văn vẽ, lãng mạn, sâu đậm. Tôi vẫn còn nhớ đã thấy anh viết vào bìa quyển sách giáo khoa luật một câu hát của ban 'The Beatles': "The long and winding road that leads to your door will never disappear..." (con đường dài và uốn khúc dẫn đến nhà em sẽ không bao giờ tan biến...) Tuy là dân chơi nhạc và đã nghe qua bài nhạc nhiều lần nhưng lần nầy khi đọc lại câu hát trên, tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh một con đường đầy thơ mộng đưa đến nhà người yêu mà chắc chắn suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên.

Cùng trong thời kỳ ấy, tôi bắt đầu chú ý đến nhiếp ảnh.

Rồi thời gian trôi qua thật nhanh cho đến gần hai mươi năm sau, sang California tình cờ tôi bước vào một tiệm food to go để mua thức ăn vội cho kịp giờ đến lớp học thêm về nhiếp ảnh ở Orange Coast College, tôi mới gặp lại Long và gia đình hiện đang hợp tác khai thác cửa tiệm đó. Thật quá đổi vui mừng, bao nhiêu kỷ niệm thời quân ngũ chạy ập trở về, quá khứ và hiện tại như thật gần kề với nhau.

Trong khi tôi hãy còn độc thân thì Long bây giờ đã vợ con đùm đề. Tuy nhiên, tánh tình của Long hầu như không thay đổi chút nào vẫn tươi cười yêu đời như thuở nào mặc dầu được biết trong lúc vượt biên, vợ chồng anh còn bị kẹt đứa con gái lớn phải ở lại Việt Nam.

Rồi từ đó chúng tôi thường gặp nhau vào cuối tuần nhắc lại chuyện xưa, những vui buồn thời quân ngũ và giờ đây Long làm thơ rất nhiều dưới bút hiệu Đăng Ngọc. Trong số đó có bài anh viết về nỗi nhớ nhung đứa con gái lớn còn ở lại nơi quê nhà nghe rất xúc động.

"Bài Thơ Cho Con"

nhớ con ba viết bài thơ
hỏi thăm bên ấy bây giờ ra sao?
xa con ngỡ mới hôm nào
hơn hai năm ôi quá dạt dào nhớ thương
nhớ con mỗi sáng đến trường
theo con ba gặp thiên đường thuở xưa
Sài Gòn giờ nắng hay mưa
tội con lủi thủi sớm trưa một mình
xa con nhớ cả bóng, hình
nhớ thêm ánh mắt nghịch tinh nụ cười
nhớ từ cái giỏi, cái lười
cái khôn, cái dại, cái buồn cười ngây thơ
tối con ngủ có nằm mơ?
thấy ba hí hoáy làm thơ tặng đời
tặng con, rồi tặng ông trời
hỏi xem cớ sự xa vời cha con
ở đây mặc đẹp ăn ngon
chẳng vơi nỗi nhớ mong con từng ngày
vắng thư con mấy hôm rày
mà ba đã thấy xoay xoay trong hồn
đứng, ngồi, đi cứ bồn chồn
thương con, một túi càn khôn chưa vừa
trời đang giữa nắng ban trưa
mà ba nghe... có giọt mưa trong lòng

giữ nghe con, hồn sáng trong
tuổi mơ tuổi mộng tuổi lòng của ba

Santa Ana, cuối 1987

Cuộc đời luôn đầy những hợp tan, nhất là ở xứ Mỹ bến bờ tự do đi lại quá dễ dàng muốn ở đâu thì ở nên hai chúng tôi gặp nhau rồi lại xa nhau hàng bao nhiêu năm tháng hàng bao nhiêu ngàn dặm đã biết bao lần. Một phần là vì kế sinh nhai nhưng phần lớn nhất vẫn là lối sống phiêu bạt giang hồ vì đã qua rồi cái thời chiến tranh đen tối, bây giờ mặc tình muốn đi đâu thì cứ đi. Có lần tôi đã lái xe sáng đêm để đưa Long và một người bạn đi từ Orange County lên tận Seattle, Washington tìm công việc làm. Lần khác Long dọn gánh cơm ghe bè bạn đi Texas, đi Virginia, rồi cuối cùng vẫn phải trở về California. Còn tôi thì đi rất nhiều nơi nhưng lúc nào cũng vẫn giữ Southern California làm hậu cứ và hàng năm đều trở về ít nhất một lần để làm bổn phận công dân thuế má với uncle Sam. Mỗi lần gặp lại nhau, Long và tôi luôn cho nhau xem những đứa con nghệ thuật, Long thì thơ phú còn tôi thì phim ảnh. Từ đó, Long có ý nghĩ vịnh thơ cho những bức ảnh của tôi. Đối với tôi, đó là một sự kết hợp thật lý thú và ý nghĩa. Nối thêm vần thơ của Long, những bức ảnh của tôi như được chấp cánh để bay bỗng cao vút vào bầu trời nghệ thuật.

""
vòng xe em
dù chậm
đã quay tít đời anh"

Ảnh chụp tại Sài Gòn, 1994 trong chuyến đầu tiên về thăm quê hương sau hơn 19 năm xa cách.

"
em, biển muôn dặm đời anh
vầng trăng xưa khuyết vội
an nhiên chút mộng lành"

Ảnh chụp tại Mũi Né, Bình Thuận, 1996.

"
em cứ đợi...
gió vẫn chở tình anh
đến muộn"

Ảnh chụp tại Mũi Né, Bình Thuận, 1996.

"
bé Tư chờ ai đó?
duyên quá nét Hậu Giang"

Ảnh chụp tại Cao Lãnh, Đồng Tháp, 1996.

"
gót hài em lạc lối
rừng xưa nắng vỡ òa"

Ảnh chụp tại Suối Lồ Ồ, Đồng Nai, 1995.

"
em cứ thật đơn giản
thì má em vẫn hồng
môi em vẫn xinh"

Ảnh chụp tại Sài Gòn, 1994 trong chuyến đầu tiên về thăm quê hương sau hơn 19 năm xa cách.

"
kiêu sa màu áo lụa
vàng quá mộng đời nhau"

Ảnh chụp tại Sài Gòn, 1995.

"
rất hồn nhiên
ánh mắt cười
thôi em
nghiêng cả đất trời của anh!"

Ảnh chụp tại Sài Gòn, 1996.

"
em hãy như nàng thơ
và nàng thơ...
thì không bao giờ son phấn
em cứ mặc chiếc áo dài
may bằng hàng nội hóa
để mắt anh...
vẫn lót đầy khung trời quê hương"

Ảnh chụp tại Sài Gòn, 1994 trong chuyến đầu tiên về thăm quê hương sau hơn 19 năm xa cách.

"
cùng em nắng ngủ riêng trời mộng
một thoáng sân trưa rộn ý hè"

Ảnh chụp tại Mũi Né, Bình Thuận, 1996.

"
em về
nắng vẫn dõi nghiêng
tà áo trắng
mộng trinh nguyên
thuở nào"

Ảnh chụp tại Sài Gòn, 1994 trong chuyến đầu tiên về thăm quê hương sau hơn 19 năm xa cách.