Sunday, February 22, 2009

Nhạc Hòa Tấu.

NHẠC 'HAUNTING'
Đây là những bài nhạc khi nghe xong vẫn còn muốn nghe nữa và nghe nữa. Tôi vẫn chưa biết phải phiên dịch 'haunting' ra tiếng Việt như thế nào cho sát nghĩa. Từ ngữ 'haunting' không phải do tôi đặt ra mà do tôi nghe được từ các DJs của các đài phát thanh ở Mỹ.

Tựu chung, những bài nhạc này có cái gì đó hớp hồn, đi vào tận trái tim của người nghe, hay nói thật giản dị hơn, những bài nhạc này nghe rất 'phê'.

Cho đến nay, tôi chỉ mới chọn được có 8 bài nhạc xứng đáng với danh hiệu 'haunting music' theo ý của một số DJs Mỹ và theo ý riêng của tôi.

Về phương tiện để mọi người có thể nghe được từ blog này thì chỉ có YouTube là thông dụng nhất. Còn các sites khác thì tôi chưa được biết đến. Nếu bạn nào biết, xin vui lòng chỉ dẫn để chúng ta có thể cùng thưởng thức những tác phẩm để đời này.

Xin mời click vào tên những bài nhạc dưới đây để nghe.

"The Lonely Shepherd" - Zamfir

Tên của bài nhạc này được tôi tạm dịch là "Người Chăn Cừu Cô Độc". Tôi dùng chữ chăn cừu thay vì mục đồng hay chăn con vật gì khác vì tôi nghĩ rằng chăn cừu rất thích hợp ở xứ Rumania. Nghe tiếng pan flute của Zamfir là liên tưởng ngay đến tiếng gió rít qua các đồi núi làm tê tái người chăn cừu cô độc.

Lần đầu tiên tôi nghe bài này vào đầu thập niên 80 trên đài FM khi đang làm việc cho một công ty dầu hỏa ở vùng Los Angeles. Bị lôi cuốn ngay và sợ không biết chừng nào mới được nghe lại nữa nên khi bài nhạc vừa dứt là tôi chụp ngay điện thoại để gọi đến đài phát thanh hỏi tay DJ xem bài nhạc này tên gì và do ai trình bày.

Được biết tên bài không gì trở ngại nhưng tên của nhạc sĩ trình bày thì rất xa lạ. Khi ra tiệm dĩa để mua CD thì mới biết đây là một nhạc sĩ nổi tiếng chuyên xữ dụng pan flute ở xứ Rumania, quê hương của Nadia Comaneci nổi tiếng kỳ Thế Vận Hội Montreal 1976.

Nadia Comanenci, nữ lực sĩ tuổi mới lớn đã phá kỹ lục, lần đầu tiên đạt được số điểm toàn vẹn 10 trên 10, đến nổi bảng ghi điểm thời đó chưa có số 10 nên phải ghi là 1.00. Hình ảnh cô bé xinh xắn, dễ thương đã làm xao xuyến hàng triệu triệu khán giả khắp năm châu.

Một phần lớn cũng nhờ bài nhạc rất đáng được xếp hàng vào 'haunting music' lấy ra từ phần nhạc mỡ đầu của một soap opera tên là "The Young and the Restless" do Barry De Vorzon trình bày. Trong Thế Vận Hội, Nadia đã biễu diễn thể dục quá tuyệt vời nên được network ABC làm montage trở lại với nền bài nhạc nói trên và đã làm cho công chúng Mỹ say mê cuồng nhiệt. Từ đó trở đi, bài nhạc được gọi là Nadia's Theme.

"Nadia's Theme / The Young and the Restless" - Barry De Vorzon

Tôi đã từng bị bài "The Lonely Shepherd" ru hồn như thế nào nên về sau này, khi đạo diễn Quentin Tarantino mang bài nhạc vào phim "Kill Bill" thì tôi không ngạc nhiên vì đạo diễn tài ba trẻ tuổi này chuyên đưa những bài nhạc thật độc đáo vào phim của ông ta, khi xem qua vài phút đầu là đã có cảm tình rồi.

Quentin Tarantino và Uma Thurman, nữ tài tữ được ưa chuộng nhất của nhà đạo diễn, từ "Pulp Fiction" đến "Kill Bill".

"Dolannes Melodie" - Jean-Claude Borelly


"The Windmills of your Mind" - Alison Moyet

"The Windmills of your Mind" - All Angels

"The Windmills of your Mind" - George Davidson


Bài nhạc do Michel Legrand sáng tác được lồng cho cả hai phim "The Thomas Crown Affair" (1968) với Steve McQueen và Faye Dunaway, "The Thomas Crown Affair" (1999) với Pierce Brosnan và Rene Russo. Tôi thấy Dusty Springfield hát bài này có hồn nhất nhờ vào chất giọng truyền cảm hiếm có. Rất tiếc YouTube không có bài này nên xin nghe tạm phần trình bày của Alison Moyet, nhóm All Angels, và slide show với tiếng đàn dương cầm của George Davidson.

"Hymne / Opera Sauvage" - Vangelis


Nếu các bạn nào đã từng sinh sống ở vùng West Coast vào những năm đầu của thập niên 80 chắc hẳn còn nhớ cái quảng cáo trên TV của loại rượu champagne hiệu 'André'. Đây là loại rượu rẻ tiền, chỉ có hơn $1.00 một chai, các đám tiệc thường chưng ra cho có hình thức chẳng mấy ai thèm uống vì uống vào đã dỡ ẹt lại còn bị nhức đầu nữa. Nhìn vào bề ngoài của chai rượu thấy rất sang trọng không thua gì chai Martini Rossi Spumanti có giá gấp mười lần. Mỗi khi dịp lễ Giáng Sinh sắp đến là loạt quảng cáo rượu André được chiếu rất thường xuyên trên TV. Chỉ cần hình ảnh nhản hiệu André cùng với bài nhạc "Opera Sauvage" của Vangelis là đủ sức lôi cuốn khán giả rồi.

Nói đến chuyện cá nhân một chút. Khi anh bạn và tôi mở party ở San Francisco vào những năm đó, chúng tôi mua một lô rượu André ngâm với nước đá đầy một thùng để đựng rác to tướng cho khách khứa uống. Xong chúng tôi nhét một chai Martini Rossi Spumanti xuống tận cùng đáy thùng dự tính rằng để khuya khi tan party sẽ uống sau. Nào ngờ mấy tay khách dân chơi thứ thiệt họ chê André và mò mẩm để tìm cho được thứ gì khá hơn. Thế là chai rượu quí của chúng tôi bị đem ra chơi hết nên đến khuya, anh bạn và tôi không còn gì ngon để uống nữa.

"Matsuri" - Kitaro


"The Ruins of Sonora" - Keiko Matsui


Những bài nhạc chưa tìm được web site để nghe:

"Midnight Blue" - Caravelli


Có thể nói vùng Los Angeles có nhiều đài phát thanh nhất nước Mỹ, AM lẩn FM. Mấy ông DJs lựa toàn những bản nhạc hay nên khi lái xe nghe được bài nào hay là phải lo nhớ kỷ lúc đó mấy giờ mấy phút để khi về nhà gọi cho đài phát thanh hỏi xem họ đã để bài gì. Thời đó làm gì có cellular phone như bây giờ, lại còn phải chạy ra tiệm mua cho được bài mình thích chứ làm gì có màn e-mail xin xỏ bạn bè hay download...

Bài "Midnight Blue" tôi đã đi tìm khắp nước Mỹ cũng chẳng thấy vì là ban nhạc Pháp. Lần đầu tiên có dịp đi Paris vào năm 1989, thấy được cái CD có bài này là mừng húm nên đành bóp bụng bỏ ra khoảng $20.00 hơn để chỉ mua cho được bài này. Vật giá ở Pháp quá đắt đỏ, cái gì giá cũng gần như gấp đôi.

Được biết bài nhạc này lấy từ nhạc cổ điển của Tchaikovsky và đối với tôi, phần hòa âm của Caravelli đã làm cho bài nhạc nghe thật phê.

"Norwegian Mood" - Oystein Sevag (sample only)


(còn tiếp)